Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vài nét về tín ngưỡng thờ gia quyến và tướng lĩnh của các vua Hùng trên đất Hà Nam

Tin tức - Sự kiện  
Vài nét về tín ngưỡng thờ gia quyến và tướng lĩnh của các vua Hùng trên đất Hà Nam

Hà Nam nay, phủ Lý Nhân xưa, từ lâu rồi đã được nhìn nhận như là “đất" của văn hóa - văn nghệ dân gian. Khá nhiều loại hình, loại thể, kiểu, dạng văn nghệ dân gian đã vận hành ở đây. Một trong nhiều loại hình văn nghệ dân gian cần tìm hiểu một cách bài bản và khẩn trương, đó là tín ngưỡng thờ gia quyến và các tướng lĩnh của vua Hùng trên đất Hà Nam.  

          Tín ngưỡng thờ gia quyến và tướng lĩnh của các vua Hùng trên đất Hà Nam có một diện mạo rất đa dạng và phức tạp, lại khó phân loại, do nó không tồn tại độc lập mà đan xen với một số tín ngưỡng khác. Các tướng lĩnh của thời vua Hùng Vương, qua tài liệu điền dã và tài liệu thư tịch, rất đông đảo, đa chiều, đa dạng, lại đan cài chằng chéo với nhiều tín ngưỡng khác, trong đó có một số trường hợp tiêu biểu là: Tản Viên Sơn Thánh Tam vị hoặc Tứ vị nhất thể, Sơn Tinh hoặc Sơn thần, Năm anh em dũng tướng, Linh Lang, Câu Mang, Ba vị Quan lớn đền Lảnh…

          Tản Viên Sơn Thánh Tam vị hoặc Tứ vị nhất thể: Trong quan niệm của dân gian, Tản Viên Sơn Thánh là ông thần, là tướng lĩnh hàng đầu của Hùng Duệ Vương - Hùng Vương thứ XVIII, cũng có thể nghĩ đó là khai quốc công thần của triều đại Hùng Vương - một triều đại nghiêng về truyền thuyết. Đó là biểu tượng Tam Vị Nhất Thể hoặc Tứ Vị Nhất Thể. Công tích của Ngài được dân gian xác định qua hai khía cạnh chính là đánh đuổi quân Thục, bảo vệ quyền tự chủ của nước Văn Lang; chống lũ lụt, hướng dẫn cho dân Lạc Việt canh tác lúa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nghĩa là dân gian nhìn nhận Ngài vừa như là anh hùng chống ngoại xâm, vừa như là anh hùng văn hóa. Gọi là Tam Vị Nhất Thể vì ngoài Tản Viên Sơn Thánh Nguyễn Tuấn còn có hai trợ thủ đắc lực giúp việc nữa là Tả Kiên Thần Nguyễn Sùng, Hữu Kiên Thần Nguyễn Hiển. Tản Viên Sơn Thánh được mẹ nuôi là bà Ma Thị giao cho cai quản núi Ba Vì, được Hùng Duệ Vương phong cho chức “Sơn Thánh Quốc Chủ", thống lĩnh toàn bộ núi rừng cõi Nam giao. Giúp việc cho Tản Viên Sơn Thánh có Tả Kiên Thần Nguyễn Sùng, Hữu Kiên Thần Nguyễn Hiển. Thực ra đây là hình thức nhân hóa, thiêng hóa núi Ba Vì của cư dân tiền Việt Mường, cũng có tộc danh khác là Lạc Việt. Chia ra làm Tam Vị (núi Ba Vì có 3 ngọn), nhưng hợp lại là Nhất Thể. Nguyên lý này cũng giống như mô hình Hiện tại Phật, Quá Khứ Phật và Vị lai Phật của Phật giáo; Thiên - Địa - Nhân của Nho giáo. Cũng có khi dân gian quan niệm Tứ Vị Nhất Thể. Ngoài ba vị đã có trong biểu tượng Tam Vị Nhất Thể, dân gian còn “thiêng" hóa thêm vị Sơn Thần Quý Minh. Cũng có một số làng thờ riêng Tả Kiên Thần hoặc Quý Minh. Đáng lưu ý hơn là Tản Viên được dân gian suy tôn vào hàng Tứ bất tử. Hiện tại ở Hà Nam có tới 11 làng, thôn thờ ở đình, đền. Đó là các làng (thôn): Đồng Nhân, Vũ Bản, Thanh Nghĩa (huyện Bình Lục); Bạch Xá, Bài Lễ, Lỗ Hà (huyện Duy Tiên); Thọ Lão, Yên Thống (huyện Thanh Liêm); Văn Lâm, Lạt Sơn, Khả Phong (huyện Kim Bảng).

          Sơn Tinh hoặc Sơn thần (là bộ tướng hoặc hóa thân của Tam Vị Nhất Thể) được thờ ở 31 làng; Quý Minh được thờ riêng ở 33 làng, thôn.

          Năm anh em là dũng tướng, gồm: Nguyễn Chiêu với mỹ tự  “Nhân Trí Hùng Lược Đại Vương", Nguyễn Thuận với mỹ tự  “Hồng Lô Tự Khanh Đại Vương", Nguyễn Thành với mỹ tự “Quả Nghị Duệ Triết Tướng Quân", Nguyễn Sỹ với mỹ tự “Đô Thiên Quảng Bác Trung úy", Nguyễn Minh với duệ hiệu “Hùng Địch Hậu Quân", được thờ ở đình, đền 5 làng, thôn Lương Đống, Trân Châu, Phù Lão, Khê Khẩu, Ngọc An do có công trợ giúp vua Hùng Duệ Vương đánh đuổi quân Thục, bảo vệ nước Văn Lang.

          Linh Lang: Trước tiên cần lưu ý là Linh Lang có ba loại. Đó là Linh Lang thời Lý, Linh Lang thời Trần, Linh Lang thời Hùng Vương. Thôn Quan Nha, xã Yên Bắc, huyện Duy tiên thờ Cửa Nha Phu Nhân, Linh Lang Đại Vương, Cư Sĩ Đại Vương. Cửa Nha Phu Nhân là thân mẫu của Linh Lang và Cư Sĩ. Hai vị Linh Lang, Cư Sĩ đã yểm trợ cho Tản Viên Sơn Thánh đánh đuổi quân Thục, bảo tồn quốc thông nước Văn Lang - nhà nước sơ khai của cư dân tiền Việt Mường (Lạc Việt).

          Câu Mang: Phủ Lý Nhân xưa có tới 37 làng (xã) thờ thần Câu Mang. Dân gian giải thích hồn hậu rằng Câu Mang là “con rắn cuộn khoanh". Hai vị đã được dân gian “lịch sử hóa", “thiêng hóa". Số lượng Câu Mang đông, nhưng chỉ có ba vị gắn lai lịch với triều đại Hùng Vương. Đó là Câu Mang Hoàng Đế, Mang Công, Mỹ Công, được thờ ở thôn Mão Cầu. Ba vị này đã phối hợp với Tản Viên Sơn Thánh đánh tan quân Thục, gìn giữ được chủ quyền độc lập của nước Văn Lang - nhà nước sơ khai của các cư dân Lạc Việt.

          Ba vị Quan Lớn: Đền Lảnh, làng Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên thờ Quan Lớn Đệ Tam, phối thờ Quan Lớn Đệ Nhất, Quan Lớn Đệ Nhị. Cả ba vị đều là con của Bát Hải Long Vương vốn được thờ chính gốc ở đền Đồng Bằng (tỉnh Thái Bình). Công tích lớn nhất của ba vị Quan Lớn Tuần Lảnh là đánh dẹp quân Thục, củng cố triều đại Hùng Vương.

          Tướng lĩnh của các vua Hùng Vương được thờ ở Hà Nam không chỉ có thế. Tra cứu tư liệu “Thần tích - Thần sắc Hà Nam", thấy có tới hàng trăm vị tướng thời Hùng Vương được thờ ở các làng, thôn thuộc phủ Lý Nhân xưa, như Bàn Công, Rộng Công, Lễ Công (thôn Kiếu tổng Ngu Nhuế, huyện Lý Nhân); Hoằng Công, Uy Công, Đô Công, Hoằng Liệt Đại Vương (thôn An Thái, thôn Cổ Viễn, thôn (xã) Hưng Công (huyện Bình Lục); Bạch Thiện Cư Sĩ, Đài Vương Hạch Số, Vũ Lũ, Vũ Đài, Phó Ác Thiện Thần, Nguyễn Vực… (huyện Duy Tiên). Kiệu Nhất Không Hoàng, Kiệu Nhì Lôi Công, Lê Thường Phu Nhân được thờ ở đình và đền thôn Hòa Ngãi; Minh Các Đại Vương, Nghĩa Vũ Đại Vương, Phù Dung Công Chúa, Phù Hoa Công Chúa, thôn Dương Xá (huyện Thanh Liêm)… Công lao chính của các Ngài là đánh đuổi quân Thục do Thục Phán chỉ huy, vì sự tồn tại dài lâu của nước Văn Lang.vv…

          Làng (xã) phủ Lý Nhân xưa không chỉ thờ tướng lĩnh của các vua Hùng mà còn thờ gia quyến của họ, tiêu biểu là Chính Cung Nhân Từ Hoàng Hậu, Công Chúa, Phò Mã, Tổ Mẫu Âu Cơ.

          Thôn Gia Hội, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục thờ Chính Cung Hoàng Hậu (vợ cả của Hùng Duệ Vương). Bà Chính Cung này, theo truyền khẩu dân gian, chính là người đã sinh ra Mị Nương Công Chúa - Phu nhân của Tản Viên Sơn Thánh; Tiên Dung Công Chúa- Phu Nhân của Chử Đồng Tử. Dân cư nông nghiệp Hà Nam được cho là vinh dự vì đã thờ cả hai vị Thánh bất tử trong tâm thức dân gian Việt Nam.

          Thôn Ngọc Động, phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên thờ Tiên Dung Công chúa và phối thờ Chử Đồng Tử. Ngoài tư cách là Phò Mã của Hùng Duệ Vương, Ngài còn được dân gian tôn là Chử Đạo Tổ- Giáo chủ đạo giáo Nội đạo Việt Nam.

          Thôn Bài Lễ, tổng Bạch Sam, huyện Duy Tiên (nay thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thờ Tả Quốc và Minh Đông Đức. Đây là hai con trai của Lạc Long Quân trong số 50 con trai theo Mẫu Âu Cơ về trung du lập nghiệp. Về thứ bậc, Hùng Duệ Vương phải gọi hai Ngài trên là Thúc Tổ.

          Thôn Đồng Xuân, huyện Bình Lục thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, cùng với Phương Giang Công Chúa (con gái Hùng Duệ Vương) vv…

Tín ngưỡng thờ gia quyến và tướng lĩnh của các vua Hùng không tồn tại ở dạng độc lập mà đan xen với nhiều tín ngưỡng dân gian cổ truyền ở Hà Nam, như tín ngưỡng Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Tam phủ - Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Thủy thần… Tín ngưỡng thờ gia quyến và tướng lĩnh của các vua Hùng ở Hà Nam có quy mô tương đối lớn, có mặt trong các hội làng cổ truyền Hà Nam, nhất là lễ hội nông nghiệp và tôn giáo. Gắn bó hữu cơ với truyền thuyết lịch sử, với cái “thiêng", với thần tích nhiều làng (xã), thể hiện qua nhiều mô típ, như mô típ “Sinh nở thần kỳ", “Lập chiến công thần kỳ", “Cái chết thần kỳ", mô típ “Con cầu tự", mô típ “Sự đi vắng", mô típ “Nhận được phương tiện thần kỳ"; mô típ “Biến hình, hóa thân"… Trước năm 1955, tín ngưỡng thờ gia quyến và tướng lĩnh của các vua Hùng còn thịnh, nhưng hiện tại nó đang mai một nhanh, khả năng thất truyền cao. Tín ngưỡng thờ gia quyến và tướng lĩnh của vua Hùng trên đất Hà Nam rất có thể là “đồng dạng phối cảnh" hoặc là hình ảnh phóng đại của tín ngưỡng thờ gia tiên, gia tộc vốn thịnh hành trong đời sống tinh thần của các cư dân nông nghiệp lúa nước. Ngoài những đặc điểm nêu trên, tín ngưỡng thờ gia quyến và tướng lĩnh của các vua Hùng còn chứa đựng một số ý nghĩa xã hội - nhân văn. Thông qua hoạt động thờ phụng được cấy ghép vào hội làng, người dân “thông quan" với thần linh, cầu mong thần linh “âm phù" để mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, phúc - lộc đề đa. Vì không tồn tại ở dạng độc lập mà ở dạng đan xen với nhiều tín ngưỡng khác, với hội làng cho nên tín ngưỡng thờ phụng gia quyến và tướng lĩnh của các vua Hùng là một cách bày tỏ tình cảm yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Cũng có thể nghĩ đấy chính là tình yêu quê hương, đất nước được “tín ngưỡng hóa", “thiêng hóa".​