Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tấm lòng yêu thương thiếu nhi của Bác Hồ

Tin tức - Sự kiện  
Tấm lòng yêu thương thiếu nhi của Bác Hồ

Trước khi vào Bến Nhà Rồng để dấn bước ra đi tìm đường cứu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó với thiếu nhi bằng nghề dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết). Không chỉ nhiệt tình giảng dạy cho các em môn Hán văn và Quốc ngữ, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn phụ trách thể dục buổi sáng và hướng dẫn học sinh tham quan thắng cảnh, di tích lịch sử. Thầy luôn khích lệ tinh thần rèn luyện thể lực và trí lực, giáo dục nhân cách và lòng yêu nước, thương dân ở các em...

          Trong suốt cuộc đời sau này, dù ở hoàn cảnh nào, dù bận công việc đến đâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành tình yêu và sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ măng non - những chủ nhân tương lai của đất nước. Ngày kỷ niệm Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết trung thu, Ngày khai trường hoặc mỗi khi các cháu làm được những việc tốt, đạt được thành tích, Bác thường có thư khen ngợi, tặng quà, tặng danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ. Các cháu gặp hoàn cảnh khó khăn, Bác gửi lời thăm hỏi ân cần và gửi quà động viên...

          Trước Cách mạng tháng 8/1945, trong hoàn cảnh “vận nước gian nan", Người vô cùng đau lòng trước cảnh:

“Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng

  Học hành, giáo dục đã không

  Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa

  Sức còn yếu, tuổi còn thơ

  Mà đã khó nhọc cũng như người già

  Có khi lìa mẹ, lìa cha

  Đi ăn ở với người ta bên ngoài".

          Tâm nguyện cháy bỏng luôn thường trực trong Người lúc bấy giờ là:

 “Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây

  Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng".

                                 (Trẻ con - Báo Việt Nam độc lập, số 106, ngày 21/9/1941)

          Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Người có rất nhiều bài viết, ý kiến dưới rất nhiều hình thức đề cập đến tuổi thơ Việt Nam. Ngay trong Tết trung thu độc lập đầu tiên của đất nước, Người đã gửi thư chúc mừng các cháu với những lời lẽ bày tỏ nỗi lòng thật cảm động: “Các em vui hớn hở. Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Vậy đố các em biết vì sao? Bởi vì già Hồ rất yêu mến các em". Ngày 1/10/1945, báo “Thiếu sinh"- tờ báo đầu tiên viết về chủ đề trẻ em ra số đầu tiên theo sự chỉ đạo của Bác, Bác nhắn nhủ: “Báo này là của trẻ em, vậy các em nên giúp báo phát triển, các em gửi tin tức, tranh vẽ và bài viết cho báo. Người lớn thì nên đọc cho trẻ em chưa biết chữ nghe. Tất cả mọi người nên làm cho tờ báo ngày càng phát triển hơn". Trong thư gửi cha mẹ học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (1946), Bác đã căn dặn với những lời vô cùng thiêng liêng, cao quý: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu...". Luôn theo sát những hành động, những việc làm có ích của các em nhỏ nên tháng 8/1947, được tin hai em nhi đồng (Phạm Đỗ Hải và Lê Văn Thục) liên lạc trong bộ đội chiến khu II có nhiều việc làm mưu trí, dũng cảm, Bác đã làm thơ khen ngợi, cổ vũ. Trên báo Sự thật số 134, ra ngày 1/6/1950 đăng bức thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày quốc tế 1/6 với những lời lẽ âu yếm, chất chứa sự quan tâm, Bác viết: “Các cháu yêu quý! Ngày 1/6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô... Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến". Cảm động nhất là những lời chứa đầy trách nhiệm và tình thương của Người: “Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...". Một năm sau đó, trên báo Cứu quốc (ra ngày 29/5/1951) Bác lại có “Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi". Bên cạnh những lời lẽ trìu mến, Bác còn căn dặn các cháu phải “Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất, thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh". Người đã nhìn xa trông rộng khi khuyên các cháu luôn phải đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau, cũng như bạn bè thiếu nhi trên toàn thế giới.  Vẫn với mạch nguồn tình cảm vô cùng dạt dào, nồng ấm, năm 1952, trong bức thư gửi các cháu nhân ngày Trung thu, đầy quả quyết, Bác khẳng định: “Ai yêu nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh" và căn dặn các cháu: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tuỳ theo sức của mình" để luôn xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh". Tết trung thu 1953, vui sướng về những chiến thắng vang dội của quân và dân cả nước trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc, trong đó có sự đóng góp tích cực của trẻ em, Bác lại làm thơ: “Chín tết trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa"...

          Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) kết thúc trong thắng lợi vẻ vang. Đất nước còn ngổn ngang khó khăn và công việc. Bác và Trung ương vẫn chưa về tiếp quản thủ đô, nhưng Bác vẫn không quên gửi bức thư ngắn cho các cháu thiếu nhi toàn quốc nhân ngày quốc tế 1/6 với lời nhắn nhủ các cháu phải ngoan ngoãn, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khoẻ và tiến bộ. 

Đế quốc Mỹ xâm lược đất nước ta. Dù cuộc chiến này có khốc liệt gấp trăm lần cuộc chiến trước thì Bác vẫn luôn quan tâm đến các em nhỏ. Nhân kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong (15/5/1961), Bác khuyên nhủ thiếu nhi thực hiện tốt 5 điều Bác mong mỏi. Những điều đó sau này trở thành “Năm điều Bác Hồ dạy" được phổ biến rộng khắp trong các trường học ở Việt Nam, thành kim chỉ nam và là nội dung cho thiếu nhi phấn đấu, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam luôn cồn cào, đau đáu trong trái tim của Bác. Năm 1965, Bác cùng Bác Tôn gửi các cháu thiếu nhi trường Hoàng Lệ Kha và tất cả các cháu miền Nam lòng nhớ thương mong mỏi: “Bắc, Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi".

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên khẳng định thiếu nhi là lực lượng cách mạng trong công cuộc giải phóng đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những lời dạy bảo, những bức thư, những bài thơ của Người không chỉ có tác dụng với các cháu mà còn giúp cho các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh rút ra được phương pháp giáo dục thế nào cho hiệu quả nhất. Bác luôn nhấn mạnh: người lớn phải là tấm gương sáng cho các em noi theo. Bác chỉ thị công việc giáo dục trẻ em - những người chủ tương lai của đất nước là công việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội với phương châm: “Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người". Trong bức thư đầy tâm huyết gửi tới Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc ngày 15/8/1950, Người nhấn mạnh cách dạy trẻ cần phải “làm cho chúng biết yêu Tổ Quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỉ luật, học văn hoá. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm chúng trở nên già cả". Ba tháng trước lúc đi xa mãi mãi, cũng nhân dịp 1/6, Bác có lời căn dặn tất cả mọi người cần phải: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng". Trong di chúc để lại, Người cũng nhắc đến các em với những lời lẽ vô cùng cảm động: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng"...

          Tình yêu thương, sự quan tâm Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thiếu niên, nhi đồng đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân học tập, làm theo với phương châm "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai".


Bản tin VHTTDL Hà Nam