Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chân Lý – mảnh đất giàu truyền thống

Tin tức - Sự kiện  
Chân Lý – mảnh đất giàu truyền thống

Xã Chân Lý nằm về phía Đông Bắc của huyện Lý Nhân. Thời Trần, mảnh đất Chân Lý thuộc châu Lỵ Nhân;đến năm 1469, Chân Lý thuộc huyện Lý Nhân, xứ Sơn Nam. Năm 1741, Chân Lý thuộc huyện Lý Nhân, phủ Lỵ Nhân, xứ Sơn Nam Thượng.Năm 1831, dưới triều Vua Minh Mạng, nhà Nguyễn tiến hành cải cách hành chính, thành lập các tỉnh thay cho các trấn, cả nước chia thành 30 tỉnh. Theo chủ trương này, phủLỵ Nhân (Lý Nhân)thuộc tỉnh Hà Nội, khi đó xã Chân Lý thuộc huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội. Năm 1890, Chân Lý thuộc tổng Vũ Điện, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, gồm có các xã: Đồng Lư, ĐồngAn (Đồng Yên), Đức Thông, Vũ Điện, Phú Lư, Hào Châu, Xương Hậu, Trương Xá và Trạm Khê. Năm 1946, 1948 các xã trong tổng Vũ Điệnđược sáp nhập với nhau thành hai xã Đức Yên và Chân Lý. Tháng 3 năm 1949, hợp nhất hai xã Chân Lý và Đức Yên lấy tên là xã Chân Lý.

Tháng 5 năm 1955, xã Chân Lý được tách thành 3 xã: Chân Lý, Tân Lý và Hồng Lý. Tháng 3 năm 1972, hợp nhất hai xã Chân Lý và Hồng Lý lấy tên là xã Chân Hồng. Đến năm 1977, xã Tân Lý sáp nhập với xã Chân Hồng đổi tên thành xã Chân Lý và giữ nguyên tên gọi cho đến ngày nay. Hiện nay, xã Chân Lýcó 9 thôn gồm: Thôn 1 Phú Trương, thôn 2 Vũ Điện, thôn 3 Trạm Khê, thôn 4 - 5 Đồng Yên, thôn 6 Đức Yên, thôn 7 Cao Hào, thôn 8 Đồng Lư Hạ và thôn 9 Đồng Lư Trung Thượng.

Về địa giới hành chính, xã Chân Lý hiện nay: Phía Đông giáp sông Hồng đối ngạn là huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình); phía Tây giáp xã Đạo Lý và Bắc Lý; phía Nam giáp xã Trần Hưng Đạo (cùng huyện); phía Bắc giáp sông Hồng đối ngạn là huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên).

Mảnh đất Chân Lýnằm bên dòng sông Hồng, điểm giao thoa nhiều vùng văn hóa: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến".Từ đây, ngược sông Hồng sang Phố Hiến, đi Thăng Long Hà Nội; xuôi phía Đông đến Tam Đường (Hưng Hà, Thái Bình) có khu mộ tổ nhà Trần; theo đê Đại Hà về Trần Thương, nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, xuôi phía Nam đi Kiếp Bạc, ra biển, hoặc theo quốc lộ 38B về Đại Hoàng (Hòa Hậu), đi Bảo Lộc, Thiên Trường (Nam Định).

Toàn xã có 40 đình, chùa, đền, miếu,… trong đó có 04 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 04 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh, nhiều di tích có giá trị như cụm di tích đình Đồng Lư (Thượng, Trung, Hạ) thờ các vị tướng thời Hùng Vương người trang Đồng Lư; đền Bà Vũ thờ bà Vũ Thị Thiết - người phụ nữ tiết hạnh của làng Vũ Điện, Nam Xương, thế kỷ XV; chùa Thông thờ Phật, đền Thiên Quan thờ các vị Thiên thần có công âm phù cho Thái tử Linh Lang (con vua Lý Thái Tông) và tướng Trần Hưng Đạo dẹp giặc qua vùng đất này. Đồng thời cụm di tích còn làđịa điểm hoạt động cách mạng trong vùng những năm 50 của thế kỷ XX. Trên địa bàn thôn Hào Châuhiện còn lăng thờ Thái tử Linh Lang (1064 - 1072). Các chứng cứ lịch sử khoa học tại các di tích cho thấy mảnh đất Chân Lý được hình thành từ rất sớm, trải qua các triều đại từ thời Hùng Vương đến ngày nay,nơi đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, gắn liền với sự hình thành và đấu tranh chống giặc ngoại xâm qua nhiều triều đại.

Xã Chân Lý có bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng. Trước những năm 30của thế kỷ XX, xã Chân Lý từng là một trong những cơ sở của phong trào chống Pháp ở Bắc Kỳ. Cùng với các cơ sở hoạt động cách mạng khác trong xã, thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, cụm di tích chùa Thông, đền Thiên Quan là nơi quy tụ lực lượng quần chúng nhân dân để tuyên truyền chính sách, đường lối của Đảng, địa điểm hội họp, nơi đào hầm bí mật cất giấu vũ khí chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền tại xã, huyện.

 Trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, xã Chân Lý trở thành địa bàn tin cậy của nhiều cán bộ Việt Minh huyện hoạt động, giai đoạn 1946 - 1954 quân Pháp đã lập bốt Vũ Điện, khi đó địa bàn xã đã được chọn là nơi hoạt động, tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng và là nơi hoạt động chống các đợt càn quét của quân Pháp,các di tích như đền Bà Vũ, cụm di tích đình Đồng Lư, chùa Thông, đền Thiên Quan từng là cơ sở hoạt động bí mật của các tổ chức cơ sở Đảng của xã, huyện.Năm 1947, tại chùa Thông, Huyện ủy Lý Nhân đã tổ chức lớp học bồi dưỡng chính trị cho các quần chúng ưu tú chuẩn bị kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.Đầu năm 1950, cụm di tích chùa Thông, đền Thiên Quan được chọn làm địa điểm hội họp của Chi ủy, cán bộ, đảng viên, du kích của xã. Thời kỳ này đã có các đồng chí: Nguyễn Văn Duyên (Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Chân Lý, thân phụ của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan), đồng chí Vũ Quang Trung thường xuyên về đây hoạt động và kết nối với các tổ chức cách mạng ở một số xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Thái Bình. Hiện nay, tại chùa Thông còn dấu tích 02 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng.Qua 9 năm kháng chiếngian khổ hy sinh, nhân dân Chân Lý đã cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ“Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ vào ngày 20/7/1954 lập lại hòa bình ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã thắng lợi: Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến hành quá độ lên xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cho cách mạng Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thống nhất đất nước.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xã Chân Lý là nơi tiễn đưa hàng trăm thanh niên địa phương lên đường vào Nam chiến đấu, là một trong những địa bàn quan trọng để tập hợp, vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều người con của quê hương đã anh dũng hi sinh bảo vệ Tổ quốc. Toàn xã có 301 Liệt sỹ, 28 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Người dân xã Chân Lý sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, ở Đồng Yên có thêm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Ngoài ra, còn một số nghề khác như: thợ nề, chế tác xây dựng nhà gỗ cổ truyền, sản xuất dụng cụ làm mộc, kim khâu giày, kim khâu bao, thợ may...Đời sống nhân dân trong xã từng bước được nâng lên.

Chân Lý có địa bàn rộng, thuận lợi về giao thông thủy bộ nên là một trong những xã phát triển kinh tế xã hội của huyện Lý Nhân. Trên địa bàn có hai cây cầu lớn là cầu Hưng Hà nối với tỉnh Hưng Yên và cầu Thái Hà nối với tỉnh Thái Bình. Hiện có trên 20 doanh nghiệp, 01 khu công nghiệp và đô thị Thái Hà đóng trên địa bàn xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch.Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, Đảng bộ, chính quyền xã Chân Lý đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại, đời sống nhân dân được nâng lên, Chân Lý trong những năm tới sẽ vững vàng viết tiếp những trang sử mới trong thời kỳ đổi mới.


Bản tin VHTTDL Hà Nam