Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản chèo

Tin tức - Sự kiện  
Hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản chèo
Ngày 23-11, tại thành phố Thái Bình, Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình phối hợp với Khoa các Khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian chèo trong xã hội đương đại” với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ Bộ VHTTDL, các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa Thể thao các tỉnh có thực hành chèo.
Hội thảo nhằm thực hiện Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 30-6-2021 của UBND tỉnh Thái Bình về việc xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Quyết định số 2428/QĐ-UBND ngày 5-10-2021 của UBND tỉnh phê duyệt đề cương Đề án lập hồ sơ “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Quyết định số 1458/QĐ-UBND ngày 11-7-2022 của UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cách gọi thầu: Thực hiện hồ sơ Chèo đồng bằng sông Hồng đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
a1.jpg

Toàn cảnh Hội th​ảo

Tham dự buổi khai mạc có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải; Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận; Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Lê Hồng Lý...

Việt Nam luôn tự hào là quốc gia có nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật trình diễn dân gian có quy mô rất rộng, nhiều loại hình với những nét đặc sắc riêng biệt. “Chèo” được biết đến rộng rãi trong xã hội Việt Nam bởi sự thân thuộc, mộc mạc qua những chiếu Chèo. Chèo phát triển mạnh ở phía Bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

a2.jpg

 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại buổi lễ

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh: Thái Bình được biết đến là “cái nôi của nghệ thuật hát Chèo”, toàn tỉnh hiện có 234 câu lạc bộ Chèo; 100% trường học đưa hát Chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy; là địa phương có số lượng người hát Chèo đông nhất, có sức lan tỏa mạnh nhất trong các tỉnh, thành phố có thực hành Chèo ở Bắc Bộ.

Năm 2023, Nghệ thuật Chèo ở tỉnh Thái Bình được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hội thảo sẽ góp phần quan trọng, nâng cao ý nghĩa của di sản đối với cộng đồng thực hành Chèo, những nghệ nhân tâm huyết hiện đang sinh hoạt trong các Câu lạc bộ Chèo và các chương trình biểu diễn văn hóa trong các lễ hội truyền thống để giữ gìn và phát huy giá trị của di sản nghệ thuật mà cha, ông bao đời truyền lại.

a3.jpg

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết: Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh trong các danh sách của UNESCO. Việc UNESCO ghi danh các di sản của Việt Nam không chỉ thể hiện bản sắc và sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, mà còn minh chứng cho tinh thần hòa nhập của Việt Nam trong nhiệm vụ chung của Ủy ban Liên Chính phủ, Công ước năm 2003 là cùng bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa cho hiện tại và tương lai. Chèo là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tích hợp âm nhạc, múa, trò diễn, ngữ văn dân gian... với hệ thống nhân vật và làn điệu phong phú, đa dạng, thể hiện các cung bậc cảm xúc và tính cách, sắc thái muôn vẻ của con người.

Thứ trưởng cũng tin tưởng rằng, với sự hiện diện của các học giả quốc tế đến từ 6 quốc gia: Mỹ, Thụy Sỹ, Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Trung Quốc cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa đến từ các cơ quan quản lý và nghiên cứu, các tổ chức, trường đại học từ Trung ương tới địa phương và đại diện cộng đồng chủ thể di sản, những người trực tiếp tham gia vào thực hành Nghệ thuật Chèo, Hội thảo sẽ chia sẻ được những bài học kinh nghiệm liên quan và làm sáng tỏ những ý nghĩa xã hội và kinh tế của di sản, nhìn nhận đầy đủ vai trò của di sản trong sự thúc đẩy gắn kết xã hội, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa và đối thoại văn hóa.

Hội thảo khoa học quốc tế nằm trong khuôn khổ dự án hoàn thiện hồ sơ về Nghệ thuật Chèo đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội thảo là một diễn đàn học thuật của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để cùng nhau làm rõ những vấn đề chuyên môn về nghệ thuật trình diễn dân gian từ góc độ khoa học liên ngành và công tác xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO, những tiêu chí ghi danh của Công ước 2003 và những vấn đề khoa học liên quan đến nghệ thuật Chèo từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể.

Tại Hội thảo, trải qua các phiên liên tục với những vấn đề liên quan tới mọi lĩnh vực về bảo vệ, phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại, các đại biểu đã được nghe các diễn giả trình bày cũng như thảo luận sôi nổi về 6 vấn đề: Ghi danh di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước của UNESCO và Luật Di sản văn hóa; Lý thuyết, phương pháp tiếp cận nghiên cứu nghệ thuật trình diễn dân gian và di sản văn hóa phi vật thể; Nghiên cứu nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo từ cách tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể; Sự đa dạng của nghệ thuật trình diễn dân gian trong nước và quốc tế; Sự biến đổi và sức sống của nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong phát triển bền vững.

a4.jpg

a5.jpg

a6.jpg

a7.jpg

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo nhằm hướng tới công tác bảo vệ, phát huy giá trị của di sản nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể. Đây là mối quan tâm của Nhà nước, của các cấp chính quyền và ngành Văn hóa cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng thực hành di sản. Những nỗ lực tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước, hỗ trợ cộng đồng trong việc tổ chức, thực hành di sản góp phần làm giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, đảm bảo sức sống của di sản cho thế hệ hiện tại, tương lai và cho sự phát triển bền vững. Kết quả của Hội thảo là những đóng góp quý báu trong công tác tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ “Nghệ thuật chèo”, đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

a8.jpg

Các nghệ nhân chèo làng Khuốc trình diễn trích đoạn Lý trưởng mẹ mõ trong vở “Quan Âm Thị Kính”

Nằm trong khuôn khổ Hội thảo, tối 22-11, tại làng Khuốc thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, các đại biểu đã được thưởng thức Đêm trình diễn nghệ thuật chèo với các tiết mục đặc sắc của các nghệ nhân làng Khuốc.

a9.jpg

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm cùng các nghệ nhân chèo làng Khuốc


http://vanhoanghethuat.vn/