Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chặng đường 10 năm phát triển Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam (01/4/2008-01/4/2018)

Giới thiệu Quá trình hình thành và phát triển cơ quan  
Chặng đường 10 năm phát triển Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam (01/4/2008-01/4/2018)

Năm 2007, cùng với sự thay đổi chung về cơ cấu, tổ chức, bộ máy của Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cả nước, ngày 01 tháng 4 năm 2008, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch được thành lập theo Quyết định số 365 ngày 19/3/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam trên cơ sở hợp nhất Sở Thể dục, Thể thao với Sở Văn hoá - Thông tin (sau khi bàn giao chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản về Sở Thông tin và Truyền thông) và tiếp nhận chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Thương mại và Du lịch; chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về gia đình từ Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; Thực hiện chức năng tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về văn hoá; thể dục thể thao, du lịch và gia đình. Từ đó đến nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam trở thành một sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với tổng số trên 180 công chức, viên chức, người lao động làm việc tại 09 phòng chức năng và 06 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, phát huy những kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trước đây, tập thể lãnh đạo Sở luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và nhiệt tình cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đưa sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch đi vào ổn định,  liên tục có những bước đổi mới và phát triển, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một Sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần đắc lực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Những kết quả, thành tích nội bật đó biểu hiệu cụ thể trên các mặt tác sau:

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình đi vào nề nếp, một số lĩnh vực đã tạo được sự phát triển đột phá: Ngành đã tích cực tham mưu, đề xuất Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Tỉnh uỷ Hà Nam về đẩy mạnh phát triển Khu du lịch Tam Chúc, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 30/06/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch giao đoạn 2016-2025, tham mưu xây dựng các Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 07 của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch; Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với phát triển thể dục thể thao; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Quy hoạch, Đề án, Dự án phát triển ngành, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Quy hoạch tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Hà Nam, các Đề án, dự án cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; Hiện tại, Sở đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Tam Chúc đến năm 2030 trình các cấp phê duyệt.

Công tác thông tin, tuyên truyền cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị có nhiều đổi mới, sáng tạo cả về nội dung và hình thức, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ diễn ra sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đặc biệt, Ngành đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đặc biệt là các kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp; các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Lễ kỷ niệm 115 năm, 120 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Nam, 20 năm Ngày tái lập tỉnh Hà Nam, 50 năm Ngày hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Trận địa pháo phòng không, 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Nam. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá được đặc biệt quan tâm, theo hướng bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững. Ngành đã tham mưu cho tỉnh nghiên cứu, khôi phục và duy trì tổ chức thành công nhiều lễ hội lớn, tiêu biểu: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ phát lương đức Thánh Trần đền Trần Thương; nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được nhà nước xếp hạng, vinh danh, tiêu biểu như: Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Hà Nam , “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Long Đọi Sơn được công nhận là Bảo vật quốc gia, đền Trần Thương, Chùa Đọi Sơn được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội đền Trần Thương, Lễ tịch điền Đọi Sơn, Lễ hội đền Lảnh Giang, Hội Vật võ Liễu Đôi được ghi vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 192 di tích được Nhà nước xếp hạng (trong đó 02 di tích quốc gia đặc biệt, 85 di tích quốc  gia và 105 di tích cấp tỉnh). Các hoạt động thư viện, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim có nhiều khởi sắc, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân. Tham gia các hoạt động Liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ, hội diễn sân khấu do Trung ương tổ chức đạt kết quả cao.

Hoạt động thể dục thể thao được đẩy mạnh. Phong trào TDTT trong trường học, lực lượng vũ trang, thanh thiếu niên, công nhân viên chức, phụ nữ và người cao tuổi được quan tâm phát triển, góp phần nâng cao sức khoẻ và đời sống tinh thần cho người dân. Tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp cơ sở và tham gia các kỳ Đại hội Thể dục thể thao cấp quốc gia, các giải thể thao quốc gia, quốc tế đạt thành tích cao. Đặc biệt, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - 2014, Đoàn thể thao Hà Nam tham gia ở 09 nội dung, giành 2 HCV- 6HCB xếp thứ 42/65 tỉnh thành ngành tham gia Đại hội, vượt 3 bậc so với mục tiêu đặt ra. Hàng năm, Sở duy trì đào tạo tập trung 135 vận động viên, tham gia từ 25-30  giải thể thao khu vực và quốc gia, đạt từ 70 - 80 Huy chương các loại. Hệ thống liên đoàn thể thao có bước phát triển, đến nay, tỉnh có 04 liên đoàn, 01 Câu lạc bộ Golf hoạt động hiệu quả, huy động được nhiều nguồn xã hội hoá để phát triển phong trào. Đặc biệt trong những năm qua, Sở đã tham mưu cho tỉnh đăng cai, tổ chức thành công nhiều giải thể thao mang tầm khu vực và châu lục: đăng cai tổ chức thành công 04 môn tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014, Giải Bóng chuyền vô địch các câu lạc bộ nữ Châu Á năm 2015, Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cúp năm 2016… qua đó đã góp phần cao vị thế thể thao Hà Nam, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người Hà Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Năm 2018, Sở đang tập trung tổ chức tốt các giải thể thao và Lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Hà Nam lần thứ V; tập huấn và thi đấu giành kết quả cao tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII; chuẩn bị các điều kiện đăng cai tổ chức Giải Bóng chuyền Nam quốc tế diễn ra vào tháng 5 năm 2018 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam.

Lĩnh vực du lịch sau khi sát nhập đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sở đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển sự nghiệp du lịch. Nhiều quy hoạch, dự án hạ tầng du lịch được đầu tư xây dựng, đặc biệt Khu du lịch Tam Chúc đã được Chính phủ đưa vào danh sách các khu du lịch trọng điểm quốc gia, đang được đầu tư hạ tầng và các khu chức năng, phấn đấu cuối năm 2019 bắt đầu khai thác, phục vụ khách. Đây sẽ là điểm nhấn, bước đột phá quan trọng tạo đà cho du lịch Hà Nam phát triển trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Cơ sở vật chất của ngành cũng không ngừng được xây dựng. Đến nay, Hà Nam đã có khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao phục khách du lịch. Năm 2017, lượng khách du lịch đến với Hà Nam đã đạt đến con số 01 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 230 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018-2019, Hà Nam sẽ có 2-3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao khánh thành đi vào hoạt động như: Tổ hợp thương mại - dịch vụ tổng hợp Vincom Hà Nam, các khách sạn, nhà hàng lớn tại sân Golf Kim Bảng và sân Golf Tượng Lĩnh; đến năm 2020 và các năm tiếp theo thu hút phát triển các công trình thương mại như khách sạn, nhà hàng lớn tại khu vực nút giao Liêm Tuyền, Đồng Văn, sân Golf Đồi Con Phượng.

Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", “Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại" và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai ngày càng sâu rộng. Ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ, phố, khu dân cư văn hóa, đơn vị văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phong trào tập luyện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 88,38% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 89,6% thôn, làng, tổ phố đạt danh hiệu văn hoá, 29,9% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, 23,7% gia đình tập thể thao; toàn tỉnh có 78 xã nông thôn mới, 02 huyện Kim Bảng, Duy Tiên đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện nông thôn mới.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đầu tư đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có 01 Nhà thi đấu đa năng đã hoàn thiện, phục vụ đăng cai tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch quốc gia, quốc tế, 01 Nhà văn hoá trung tâm tỉnh, 01 Sân vận động, 01 Nhà hát Chèo, 01 Nhà Bảo tàng; 03 nhà văn hoá huyện, 01 sân vận động thành phố; 04 nhà thi đấu, 67 nhà tập thể thao, 37 hồ bơi, 146 sân bóng đá, 648 sân bóng chuyền, 36 sân quần vợt, 290 sân cầu lông, 66/116 nhà văn hoá xã (đạt 56,89%), 1061 thôn, làng, tổ phố có nhà văn hóa độc lập và nhà văn hoá liên tổ (đạt 85,98%), có 110 thôn, làng tổ phố sinh hoạt ở đình, chùa nâng tổng số thôn, làng, tổ phố có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng, đạt 94,8%, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân.

Công tác xã hội hoá văn hoá, thể thao và du lịch được đẩy mạnh, bước đầu đạt kết quả tốt. Một số lĩnh vực thu hút tốt nguồn xã hội hóa phải kể đến như: xã hội hoá đầu tư cho công tác tuyên truyền cổ động trực quan, văn hoá, văn nghệ, tổ chức giải và xây dựng thiết chế thể dục thể thao, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, xây dựng nông thôn mới, đầu tư xây dựng hạ tầng, dịch vụ du lịch. Qua thống kê sơ bộ, nguồn kinh phí xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch từ năm 2008 đến nay ước khoảng năm trăm tỷ đồng. Cùng với ngân sách nhà nước các  nguồn lực đóng góp từ các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân.

 Những kết quả của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong 10 năm qua đã được Đảng, Nhà nước biểu dương, ghi nhận bằng những danh hiệu và phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc và tặng Bằng khen, nhiều năm liền được được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen. Nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được nhận các danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và các hình thức khen thưởng của Chính phủ, của Tỉnh, của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đây chính là sự cổ vũ to lớn đối với toàn thể công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành.

Nhiệm vụ phía trước của toàn Ngành là hết sức nặng nề, trong đó, cần tập trung rà soát, kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, đăng cai tổ chức thành công Giải Bóng chuyền nam Quốc tế năm 2018, tổ chức thành công các giải thể thao trong chương trình Đại hội và trọng tâm là Lễ khai mạc Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Hà Nam lần thứ V năm 2018, tập trung tập luyện và tham gia thi đấu đạt thành tích cao tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, phấn đấu nâng cao vị thế của thể thao Hà Nam trên đấu trường trong nước và quốc tế, tập trung tham mưu đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu du lịch Tam Chúc, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, tạo đột phá cho du lịch Hà Nam trong những năm tới, đẩy mạnh sâu rộng, thiết thực hơn nữa các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại và xây dựng nông thôn mới. Sự nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch của tỉnh cần tiếp tục được đẩy nhanh, đẩy mạnh một cách toàn diện hơn, với chất lượng tốt hơn, hiệu quả hơn nhằm tạo nên nhiều chuyển biến mới, có ý nghĩa sâu sắc hơn, thiết thực hơn trong đời sống xã hội của tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành cần nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.​


Tin liên quan