Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghệ thuật sử dụng ca dao, thành ngữ, tục ngữ trong thơ nôm Nguyễn Khuyến

Tin tức - Sự kiện  
Nghệ thuật sử dụng ca dao, thành ngữ, tục ngữ trong thơ nôm Nguyễn Khuyến

Trong bài viết “Tục ngữ, ca dao, dân ca với việc xây dựng ngôn ngữ và văn học dân tộc”, Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận định: “Trong văn học dân tộc, văn học dân gian là thứ văn học ra đời sớm nhất. Cũng như người ông, người cha trong gia đình, văn học truyền miệng có rất nhiều kinh nghiệm để phổ biến cho con cháu, cho những thứ văn học ra đời sau trên những bước trưởng thành. Cho nên thơ văn quốc âm thành văn có tính chất dân tộc nhất, có truyền thống dân tộc nhất đều đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của tục ngữ, ca dao và dân ca”. Những nhận định chính xác và thỏa đáng trên, cho thấy văn học dân gian luôn có những ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển của nền văn hóa dân tộc, nhất là thơ ca chữ Nôm.

          Thơ chữ Nôm đến thời Nguyễn Khuyến đã trải qua gần 600 năm phát triển và có những đóng góp lớn lao cho nền văn học dân tộc. Tuy chia sẻ với văn học bác học những quan điểm thẩm mỹ nhất định, nhưng cái đích cuối cùng mà văn học chữ Nôm hướng tới vẫn là cuộc sống đời thường. Vì thế các nhà thơ trong quá trình chuyển tải những điều trông thấy đều sử dụng ca dao, thành ngữ, tục ngữ, đều chất chứa lời ăn tiếng nói  hàng ngày và đều hướng tới một tầng lớp độc giả mới, một lực lượng quần chúng mới rộng rãi hơn.

          Trong lịch sử văn học trung đại, có lẽ Nguyễn Trãi là một trong số những nhà thơ đầu tiên có ý thức tìm về với ngôn ngữ văn học dân gian để sáng tác thơ chữ Nôm. Thơ Nôm Nguyễn Trãi tiếp thu ngôn ngữ văn học dân gian chủ yếu ở thành ngữ và tục ngữ “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày” (Bảo kính cảnh giới. Bài 19); “Lân cận nhà giàu no bữa cám/ Bạn bè kẻ trộm phải đòn đau” (Bảo kính cảnh giới. Bài 21)… thể hiện triết lý và các mối quan hệ của con người trong cuộc sống. Vì ảnh hưởng thành ngữ, tục ngữ nên thơ Nôm Nguyễn Trãi , Nguyễn Bỉnh Khiêm và các nhà thơ khác từ thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XIX, hầu hết đều có chủ để triết lý và giáo huấn. Những phương thức ứng xử trong các mối quan hệ, những kinh nghiệm sống, những luân lý gia đình, đạo lý dân tộc… trở thành những nội dung chính cho thơ ca giai đoạn này:

                                      “Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ,

                                        Rút dây lại nệ động rừng chăng”

                                                           (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thơ Nôm, bài 89)

          Từ nửa sau thế kỷ XVIII trở đi, lịch sử - xã hội Việt Nam có nhiều biến động, dẫn đến sự ra đời trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học Việt Nam. Diện mạo thơ Nôm đường luật đã bắt đầu thay đổi. Chủ đề triết lý, giáo huấn nhạt dần, lui xuống hàng thứ yếu và thay vào đấy là các cung bậc tình cảm của con người và những mối quan hệ đan xen, phức tạp trong đời sống. Điển hình cho thơ Nôm đường luật giai đoạn này là những sáng tác của Hồ Xuân Hương. Thơ Hồ Xuân Hương là hiện tượng xé rào, quay trở về với dân gian, tìm cái đẹp trong cuộc sống thông tục hàng ngày, và lấy ca dao, tục ngữ, thành ngữ làm phương tiện để thể hiện tình cảm: “Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi” (Mời trầu); “Tài tử văn nhân ai đó tá/ Thân này đâu đã chịu già tom” (Tự tình II).

          Như vậy, từ những ảnh hưởng của ca dao, thành ngữ, tục ngữ, thơ Nôm trước Nguyễn Khuyến đã phản ánh cuộc sống tương đối toàn diện và phong phú.

          Thơ Nôm Nguyễn Khuyến hầu hết được sáng tác vào giai đoạn sau, khi Nhà thơ lui về Yên Đổ. Ở đấy, vừa tiếp thu cội nguồn văn hóa dân gian có từ lâu đời, vừa thừa hưởng tinh hoa của những người đi trước, Nguyễn Khuyến đã khẳng định được tài năng của mình và trở thành “một trong những thi sĩ cảm hóa lòng người nhất của văn chương Việt Nam”. Cũng như Hồ Xuân Hương, thơ Nôm Nguyễn Khuyến bên cạnh thành ngữ, tục ngữ đã có ảnh hưởng của ca dao. Việc tiếp thu ngôn ngữ văn học dân gian trong thơ Nguyễn Khuyến không nhằm phục vụ cho chủ đề triết lý, giáo huấn, không nhằm bộc lộ những khao khát yêu đương, nỗi niềm hạnh phúc mà chỉ nhằm biểu hiện lối sống của nhân dân lao động và phương thức ứng xử của họ trong mối quan hệ thế thái nhân tình như chuyện thầy đồ ve gái góa: “Bắc cầu, câu cũ không hờ hững/ Cầm kính, tình xưa vẫn đắng cay” (Thầy đồ ve gái góa); chuyện cô gái muốn lấy chồng  “Mới biết có chồng như có cánh/ Giang sơn gánh vác nhẹ bằng lông”(Muốn lấy chồng); chuyện ông nghè tân khoa “Hiển quý đến nay đà mới rõ/ Rõ từ những lúc tổng chưa đe” (Mừng ông nghè tân khoa)… Thông qua hệ thống chủ đề, đề tài trong thơ Nguyễn Khuyến, chúng tôi thấy nhà thơ chịu ảnh hưởng của tục ngữ nhiều hơn ca dao và thành ngữ. Những đề tài trong thơ Nguyễn Khuyến hầu như trùng hợp với các chủ đề trong tục ngữ như chủ đề về gia đình, vợ chồng, anh em, bạn bè, chủ đề về giàu - nghèo, sang - hèn trong xã hội. Điều này giúp chúng ta lý giải vì sao cụ Thượng Và “lắm chuyện” thế. Đó là chuyện “Mừng ông nghè mới đỗ”, chuyện ông quan Tuần bị cướp “Lấy của đánh người quân tệ nhỉ/ Thân già da cóc có đau không” (Hỏi thăm quan tuần mất cướp); chuyện ông Đốc học Hà Nam “Chuyện đời hãy đắp tai cài trốc/ Lộc thánh đừng lừa nạc bỏ xương” (Mừng Đốc học Hà Nam); chuyện thực dân Pháp khai thác tài nguyên đất nước “Rừng xanh núi đỏ hơn ngàn dặm/ Nước độc ma thiêng mấy vạn người” (Hoài cổ) và cả những câu chuyện “Nhất vợ nhì trời”, “Đưa người làm mối”, “Đĩ cầu Nôm”, “Vũng lội đường Ngang”… Mỗi câu chuyện là một cuộc đời, một lối sống và là một phương thức ứng xử trong phạm vi thế thái nhân tình.

          Bản thân mỗi câu tục ngữ là một bài học, một kinh nghiệm sống cho con người. Vì thế thơ Nôm Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường sử dụng tục ngữ để phục vụ cho một chủ đề triết lý nhân sinh, răn dạy đạo lý:

                                            “Ở bầu thì dáng ắt nên tròn,

                                             Xấu tốt đều thì rắp khuôn”

                                                             (Bảo kính cảnh giới, bài 21 - Nguyễn Trãi)

                                            “Giàu được dịp, lau nên nứa

                                              Khó thu mòn, củ hóa nâu”

                                                             (Thơ Nôm, bài 137 - Nguyễn Bỉnh Khiêm)

          Khác với Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương sử dụng tục ngữ để thể hiện duyên phận người phụ nữ:

                                           “Giếng ấy thanh tân ai cũng biết,

                                             Đố ai dám thả nạ dòng dòng”

                                                                              (Giếng thơi)

                                             “Ai về nhắn nhủ đàn em bé,

                                              Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung”

                                                                  (Dỗ người đàn bà khóc chồng)

          Nguyễn Khuyến không giống những người đi trước. Những bài thơ ông phê phán lối sống trái với lẽ phải đạo đức thông thường của nhân dân, thường thấy trong văn học dân gian. Hơn thế, trong buổi giao thời của lịch sử, xã hội thực dân nửa phong kiến phơi bày những xấu xa, tha hóa về đạo đức, những cảnh “chồng chung vợ chạ”, “vợ bợm chồng quan” hay “Kẻ yêu người ghét hay gì chữ/ Đứa trọng thằng khinh chỉ vị tiền” (Thói đời - Tú Xương), thì việc quay trở về với quan niệm sống của người dân lao động trong thơ Nguyễn Khuyến là việc làm đáng trân trọng. Để khơi dậy lẽ phải đạo đức thông thường của nhân dân, Nhà thơ đã huy động vốn ngôn ngữ văn học dân gian từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ cho đến khẩu ngữ… và quan trọng hơn là bằng cả tấm lòng nhân hậu, đa cảm của một người chồng, một người bạn chí tình, một người hàng xóm giản dị và tốt bụng:

                                            “Em cũng chẳng no mà chẳng đói,

                                            Thung thăng chiếc lá rượu lưng bầu”

                                                                         (Lụt hỏi thăm bạn)

          Vì thế mà tiếng cười châm biếm, đả kích trong thơ Nguyễn Khuyến bao giờ cũng nhẹ nhàng, ân cần như khuyên lơn, nhắc nhở:

                                               “Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa,

                                                 Kẻo mang tiếng dại với phường ngông”

                                                                              (Hỏi thăm quan Tuần mất cướp)

                                              “Cũng muốn ra chơi, chơi chửa được,

                                                Gió thu hiu hắt đượm màu sương”

                                                                                (Mừng Đốc học Hà Nam)

          Như vậy, từ việc tiếp thu ngôn ngữ văn học dân gian thông qua ca dao, tục ngữ và thành ngữ, cho chúng ta thấy thơ Nôm Nguyễn Khuyến đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thống bình dân. Điều quan trọng hơn là Nhà thơ đã thoát ra khỏi những chủ đề triết lý, giáo huấn, những đề tài hạnh phúc, tình cảm con người cá nhân, để tìm về với nhân dân trong quan hệ ứng xử hàng ngày, làm nên vẻ đẹp mới cho thơ ca, mang đầy tính hiện thực và ăm ắp tình người.​


Bản tin VHTTDL Hà Nam