Liên hoan diễn ra tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam từ ngày 20/5
đến ngày 01/6/2023, có sự tham gia củagần 2000 nghệ sĩ thuộc 32 đơn vị nghệ thuật
sân khấu truyền thống chuyên nghiệp công lập và các đơn vị nghệ thuật hoạt động
theo mô hình xã hội hóa; mang đến hơn 100 trích đoạn sân khấu ở nhiều thể loại
như: tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói, xiếc.
Ông Ngô Thanh Tuân - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nam, Trưởng Ban
tổ chức Liên hoan, đại diện đơn vị đăng cai cho biết: Đến thời điểm này công
tác chuẩn bị cho Lễ khai mạc cũng như quá trình diễn ra Liên hoan về cơ bản đã
hoàn tất. Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở VH,TT&DL Hà Nam đã chuẩn bị tốt
các điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh ánh sáng, trang trí
khánh tiết, tuyên truyền, công tác lễ tân, đón tiếp đại biểu khách và các đoàn
tham gia Liên hoan; đã có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh đảm bảo
công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ
sinh thực phẩm… UBND tỉnh Hà Nam đã có văn bản chỉ đạo các cở sở lưu trú tăng
cường công suất, cam kết nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo chất lượng; các
khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị mọi điều kiện
phục vụ chu đáo du khách trong thời điểm Liên hoan diễn ra.
Phát biểu tại họp báo, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết: Liên hoan do Hội
Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở VH,TT&DL Hà Nam tổ chức nhằm bảo
tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền
thống trước những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường.Đây cũng là hoạt động
tôn vinh các nghệ sĩ sân khấu ở mọi lứa tuổi đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo và
khát vọng cống hiến trong quá trình lao động nghệ thuật; là dịp để các nghệ sĩ
thuộc nhiều loại hình nghệ thuật giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm
sáng tạo ra nhiều trích đoạn, vai diễn hay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ
thuật ngày càng cao của nhân dân trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời, là dịp để Hội
Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các cơ quan quản lý nghệ thuật đánh giá thực trạng
đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, từ đó có những giải pháp trong công tác đào tạo, bồi
dưỡng nguồn nhân lực để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16/6/2008
của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong
thời kỳ mới.
Theo Ban tổ chức, Liên hoan không hạn chế về đề tài, nhưng các trích
đoạn tham dự phải có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng; đề cao cái đẹp và các
giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác, sự thấp hèn. Trích đoạn được dàn dựng,
biểu diễn phải khắc họa rõ nét tính cách, hình tượng nhân vật. Liên hoan khuyến
khích các trích đoạn xây dựng hình tượng về những con người tiêu biểu trong quá
trình đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước, đồng thời đề cao các yếu
tố sáng tạo mới trong quá trình dàn dựng. Ban tổ chức sẽ trao giải cho các
trích đoạn xuất sắc, diễn viên biểu diễn xuất sắc và các thành phần sáng tạo xuất
sắc ở từng loại hình nghệ thuật.
Tại buổi họp báo, những câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo
chí về điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức Liên hoan, cơ cấu giải thưởng, các
thông tin cụ thể về lễ khai mạc, cách thức thu hút khán giả trẻ quan tâm đến
nghệ thuật truyền thống… đều được Ban tổ chức chủ trì họp báo trả lời rõ ràng,
đầy đủ.