Về dự hội nghị và tham gia thành viên Hội đồng thẩm định có TS Phạm Quốc Quân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; PGS.TS Bùi Văn Liêm, Trưởng Ban biên tập Tạp chí Khảo cổ học, Nguyên Viện phó Viện Khảo cổ học, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; PGS,TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; TS Nguyễn Đình Chiến, Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS Phạm Thanh Sơn, Nghiên cứu viên - Viện Khảo cổ học;lãnh đạo phòng Quản lý Văn hóa; đại diện phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Lục;lãnh đạo UBND xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên; lãnh đạo UBND xã Vũ Bản, huyện Bình Lục; đại diện Ban Quản lý Di tích chùa Long Đọi Sơn;đại diện Ban Khánh tiết chùa Điều; cùng các thành viên trong Hội đồng.
Tại hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Hiến - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã trình bày báo cáo tóm tắt về Trống đồng Vũ Bản hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam; Khánh đá đang được lưu giữ tại chùa Điều thôn Đông Tự, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục; Bộ tượng Kim Cương hiện còn 06 tượng đang lưu giữ tại chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiêntrước hội đồng thẩm định. Trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, các thành viên Hội đồng thẩm định đã xem xét đối với từng hồ sơ hiện vật:
Trống đồng Vũ Bản hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam, nặng 42kg. Trống chỉ còn lại mặt và tang. Đường kính mặt: 80.5cm; tang cao ~24cm, cao toàn thân còn lại ~ 33.0cm.Trống đồng Vũ Bản là một hiện vật tiêu biểu cho sự phát triển về trình độ, kỹ thuật đúc đồng của xã hội thời Đông Sơn. Đây là một hiện vật có nhiều nét độc đáo mà cho đến nay chúng ta chưa hề bắt gặp trong các tài liệu liên quan tới trống đồng Đông Sơn loại I - Heger nhóm A, đã được nghiên cứu và công bố ở Việt Nam. Trang trí trên mặt trống Vũ Bản bao gồm ngôi sao 16 cánh cùng với 19 vành hoa văn có quy mô khác nhau.Tang trống dạng hình phễu, nở hướng ra ở phía mặt trống và thu lại ở vị trí tiếp giáp giữa tang và thân trống. Số băng hoa văn trang trí trên tang là 12 vành hoa văn. Trống Vũ Bản là hiện vật rất đặc sắc, độc bản không chỉ có nhiều giá trị trong nghiên cứu, tìm hiểu một số khía cạnh về đời sống xã hội, mỹ thuật, tôn giáo, kiến trúc nhà ở, loại hình vũ khí mà còn góp phần làm rõ hơn, bổ sung sự đa dạng về các kiểu phương tiện di chuyển trên mặt nước của cư dân Đông Sơn một vài thế kỉ trước công nguyên.
Khánh đá đang được lưu giữ tại chùa Điều thôn Đông Tự, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục,được tạo tác vào ngày tốt, tháng 8, năm Nhâm Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ 13 (1692) đời vua Lê Hy Tông. Minh văn trên khánh đá cho ta biết, xa xưa chùa Điều từng là ngôi cổ tự nguy nga, nổi tiếng.Khánh được tạo tác vừa có chức năng là pháp nhạc của Phật (nhạc khí) vừa mang chức năng của bia đá, được chặm khắc trên 2 mặt. Khánh đá chùa Điều tạo lập cách đây gần 350 năm là một cổ vật quý hiếm, có hình thức trang trí độc đáo nhất so với các khánh hiện đá hiện còn ở Hà Nam. Nội dung, mỹ thuật trang trí trên khánh hoà quyện tạo thành một thể thống nhất, tạo nên một bức tranh dân gian sinh động kết hợp giữa văn tự và cảnh trí, giữa biểu tượng truyền thống với thẩm mỹ dân gian. Những biểu tượng trên khánh mang phong cách riêng hết sức độc đáo, thể hiện rõ nét sự giao thoa giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và Tín ngưỡng dân gian chưa có khánh đá nào trang trí đầy đủ, công phu như khánh đá chùa Điều.Khánh đá chùa Điều là hiện vật gốc, độc bản, là khánh đá cổ, quý hiếm, tiêu biểu, đặc sắc nhất thời Lê Trung Hưng thể hiện nghệ thuật trang trí độc đáo, nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, địa danh hành chính, tôn giáo, tín ngưỡng… góp phần vào việc khẳng định sự phát triển của xã hội đương thời.
Bộ tượng Kim Cương hiện còn 06 tượng đang lưu giữ tại chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên. Dưới vương triều Lý (thế kỷ 11 – 13), chùa Đọi Sơn là đại danh lam kiêm đại hành cung, trung tâm Phật giáo của nước ta thời kỳ đó. Đến nay, trải qua bao biến cố của lịch sử, dẫu chùa xưa tháp cũ không còn, nhưng qua kết quả khai quật khảo cổ những dấu tích kiến trúc với những lớp nền móng, kè đá cùng hàng ngàn di vật, cổ vật thời Lý vẫn hiện hữu như: gạch ngói, chân tảng, xà dầm, đặc biệt bảo vật quốc gia Bia Sùng Thiện Diên Linh và 06 pho tượng Kim Cương…đã minh chứng cho một thời kỳ vàng son của nghệ thuật điêu khắc thời Lý.Bộ tượng Kim Cương được làm bằng sa thạch nguyên khối xếp gần nhau như dạng cửa có người đứng gác, hai bên là hai trụ cửa. Tượng được tạo từ khối đá dạng hình chữ nhật hai cạnh bên thẳng, cạnh dưới tạo bằng, cạnh trên được tạo vát xiên một góc 450, chiều cao từ 158cm đến 165cm. Bộ tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn là hiện vật gốc, độc bản, là một tác phẩm điêu khắc Phật giáo cổ, quý hiếm, tiêu biểu nhất, đặc sắc, độc đáo nhất và hoàn chỉnh nhất trong số các tượng Kim Cương còn lại trong ngôi chùa thời Lý ở nước ta hiện nay. Bộ tượng cung cấp nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, tôn giáo, trang phục cổ, sự giao thoa, ảnh hưởng văn hoá giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hoá lớn của khu vực trong lịch sử… góp phần vào việc khẳng định sự phát triển của xã hội đương thời.
Sau phần thảo luận, nhận xét của các thành viên Hội đồng thẩm định, Hội nghị đã tiến hành bỏ phiếu kín đối với từng hồ sơ hiện vật. Kết quả 03 hồ sơ hiện vật đều đạt 13/13 phiếu (bằng 100%), thống nhất đề nghị Hội đồng đưa vào danh mục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho 08 hiện vật.
Kết thúc hội nghị đồng chí Tạ Đình Quyền-Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã giao Bảo tàng tỉnh tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Sở hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, trình Hội đồng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định./.
Một số hình ảnh tại Hội nghị
Khánh đá chùa Điều
Trống đồng Vũ Bản
Tượng Kim Cương