Theo đánh giá, Hà Nam có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch mà không phải địa phương nào trong khu vực đồng bằng sông Hồng cũng có được. Đó là, Hà Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục hành lang Bắc Nam, là cửa ngõ quan trọng của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam vào Hà Nội; là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, đa dạng và tương đối đặc thù. Địa hình Hà Nam đa dạng tạo ra những cảnh quan đặc sắc với những thắng cảnh nổi tiếng trong nước. Đặc biệt, hệ thống sông hồ dày đặc với vẻ đẹp thơ mộng của sông Hồng, sông Đáy, Núi Đọi - Sông Châu,… cùng với hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng điển hình là những nét độc đáo, có khả năng cuốn hút cao trong xu thế phát triển du lịch hiện nay.
Bên cạnh đó, Hà Nam còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng, phong phú với sự bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các di tích lịch sử khá nổi bật, như: đền Trần Thương (Lý Nhân); đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn (Duy Tiên); chùa Bà Đanh, đền Trúc (Kim Bảng)..., và một hệ thống lễ hội tiêu biểu đã ăn sâu bám rễ vào đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, như: Lễ hội Tịch Điền, Lễ Phát lương đền Trần Thương, Lễ hội đền Lảnh Giang, Lễ hội chùa Đọi... cùng các làng nghề truyền thống tiêu biểu, mang bản sắc văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực đặc trưng. Hà Nam còn được mệnh danh là "đất khoa bảng" với những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, như: Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Nhà văn liệt sỹ Nam Cao... Những tên tuổi này được gắn với các địa điểm tham quan, du lịch mang đậm nét văn hóa đồng chiêm như: Từ đường Nguyễn Khuyến (thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, Bình Lục) hay Khu tưởng niệm nhà văn- liệt sĩ Nam Cao (xã Hòa Hậu, Lý Nhân)...
Nguồn tài nguyên du lịch của Hà Nam phân bố khá tập trung, dễ tiếp cận, liên kết thuận lợi với các điểm du lịch nổi tiếng của cả nước, như: Chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính, Hoa Lư (Ninh Bình), đền Trần (Nam Định)... Với hệ thống kết cấu hạ tầng gắn liền và được đầu tư tương đối đồng bộ với hệ thống hạ tầng quốc gia, Hà Nam có thêm nền tảng quan trọng để thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch.
Tuy có tiềm năng lợi thế lớn cho phát triển du lịch, nhưng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nam đã đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch, Hà Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội sẽ được hưởng lợi từ các chủ trương, chính sách phát triển vùng Hà Nội và các quy hoạch phát triển hạ tầng, môi trường chung; các chính sách quốc gia về cải thiện môi trường đầu tư; các quy hoạch cơ bản của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, môi trường đã được triển khai, tạo cơ hội tốt cho du lịch.
Sự phát triển du lịch Hà Nam mặc dù không nhanh chóng như các tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh..., nhưng đi những bước đi bài bản và chắc chắn. Trên cơ sở những định hướng chủ yếu trong phát triển thị trường khách du lịch; sản phẩm du lịch; cách thức tổ chức không gian tour, tuyến, khu, điểm du lịch; phát triển cụm du lịch... Hà Nam đã tập trung xây dựng nhiều cơ chế chính sách về phát triển du lịch; thực hiện các giải pháp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tuyên truyền, quảng bá du lịch; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; liên kết các thành phần kinh tế, các địa phương; huy động nguồn lực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch.
Dự án đầu tư xây dựng Khu Du lịch Tam Chúc là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo sự liên kết, phát triển du lịch vùng nam đồng bằng sông Hồng, đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình. Đây là điểm kết nối chuỗi du lịch tâm linh lớn trong vùng, gồm chùa Hương (Hà Nội) – Tam Chúc (Hà Nam) và Tràng An- Bái Đính (Ninh Bình). Là địa điểm tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch chính: du lịch trên hồ, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch leo núi, thể thao vui chơi và giải trí. Với mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu Du lịch Tam Chúc đáp ứng quy mô là khu du lịch trọng điểm quốc gia, thu hút 5,4 triệu lượt khách mỗi năm. Tại đây, đã có hàng loạt những sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước đã được tổ chức thành công. Khởi đầu là đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak năm 2019, tiếp đến là Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023, chương trình giao lưu văn nghệ truyền thống Việt Nam - Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đặc biệt, với việc tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” ngày 19/5/2023 tại Khu du lịch Tam Chúc, Hà Nam đã trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”... góp phần tạo ra bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Hà Nam nói riêng và cả vùng nam đồng bằng sông Hồng nói chung. Với sự đầu tư đồng bộ, tiến độ xây dựng dự án được thúc đẩy nhanh chóng phấn đấu đến năm 2030, Khu Du lịch Tam Chúc sẽ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Di sản Thiên nhiên Thế giới và sẽ tạo thêm cơ hội, động lực để du lịch Hà Nam phát triển.
Cùng với đó, theo ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang tiến hành rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển các công trình di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch - dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh: đền Lảnh Giang - làng nghề dệt lụa Nha Xá; chùa Đọi Sơn - làng nghề trống Đọi Tam (thị xã Duy Tiên); chùa Bà Đanh - làng nghề gốm Quyết Thành (Kim Bảng);… Đồng thời, nghiên cứu xây dựng lộ trình liên kết với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch lớn của cả nước để quảng bá; kết hợp với các hãng lữ hành lớn trong việc khai thác và tổ chức các tour du lịch mới, hấp dẫn về tỉnh; kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch văn hóa tâm linh độc đáo theo các tuyến chính, như: Bái Đính - Tràng An - Tam Chúc, chùa Hương - Tam Chúc, tuyến kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa đền Trần (Nam Định); đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng nghề, khuyến khích các làng nghề sản xuất những mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương; triển khai chương trình số hóa di sản, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch tại một số di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh...
Với những giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, hấp dẫn riêng có, lần đầu tiên Hà Nam được Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới năm 2023”. Năm 2024, Hà Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều ứng viên nổi tiếng khác, như: Bandar Seri Begawan (Brunei), Bohol (Philippines), Flores (Indonesia), Koh Kood (Thái Lan), Melaka (Malaysia), Morioka (Nhật Bản), Okinawa (Nhật Bản), Phnom Penh (Campuchia), đảo Sumba (Indonesia) và Taipei (Đài Loan, Trung Quốc) để đạt danh hiệu “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” tại lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Để phát triển du lịch bền vững, Hà Nam xác định vượt khó, tạo nên sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Làm được điều này, ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho rằng, cần phải tiếp tục thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch bảo đảm tính bền vững của tài nguyên du lịch và môi trường hoạt động du lịch. Đồng thời, xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch mới và rà soát bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch đã được phê duyệt; tham mưu xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ.
Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Chính phủ cho phép mở cửa du lịch trở lại từ 15/3/2022, Hà Nam đã đón một lượng du khách đến các địa điểm du lịch nổi tiếng đông chưa từng có. Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn mang tầm quốc gia và quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh, tạo cơ hội cho du khách trong và ngoài nước biết đến Hà Nam, trải nghiệm các sản phẩm du lịch truyền thống và mới nổi. Thành công và sức hấp dẫn của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật lớn trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023 không chỉ tăng cường quan hệ giao lưu hợp tác Việt Nam – Nhật Bản mà còn mở ra nhiều cơ hội quảng bá và xúc tiến du lịch cho tỉnh Hà Nam.
Trong Hội nghị Xúc tiến Du lịch Hà Nam, ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã chia sẻ: Tôi cho rằng, tỉnh Hà Nam là địa phương có thế mạnh trong lĩnh vực du lịch, như: là địa bàn thuận lợi để tiếp cận và phát triển du lịch vùng, lại có tài nguyên du lịch tuyệt vời như Khu Du lịch Tam Chúc cùng nhiều danh lam, địa điểm du lịch khác. Và, tôi được biết thêm là tỉnh Hà Nam đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025 số lượng du khách đến thăm Hà Nam đạt 4 triệu lượt/năm, trong đó có 490.000 lượt khách quốc tế... Với nhiều giải pháp, chính sách, cơ chế mở hiện nay của Chính phủ Việt Nam nói chung, của tỉnh Hà Nam nói riêng, cá nhân tôi tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam, trong đó có tỉnh Hà Nam sẽ trở thành điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực du lịch... Thay mặt Chính phủ Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cam kết Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phối hợp, tích cực hoạt động để gia tăng lượng khách du lịch Nhật Bản đến Hà Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới.
Có thể nói, sự hợp tác với Nhật Bản trong phát triển du lịch là bước đột phá, tạo tiền đề và hứa hẹn sự mở rộng hơn nữa mối quan hệ, hợp tác cho Hà Nam với các đối tác nước ngoài nói riêng và các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch nói chung. Đây được xem là những “cơ hội vàng” để tỉnh Hà Nam đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thị trường du lịch trong và ngoài nước về điểm đến, các sản phẩm dịch vụ du lịch; phối hợp nghiên cứu các sản phẩm và tuyến, điểm du lịch; tổ chức các sự kiện giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch.
Cam kết với các nhà đầu tư, các nhà khoa học, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy khẳng định: Để hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo điều kiện phát triển du lịch, Hà Nam sẽ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt là xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng du lịch Hà Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hỗ trợ, kết nối và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch.
Theo đánh giá từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất- kỹ thuật du lịch của Hà Nam không ngừng được đầu tư với quy mô và đẳng cấp quốc tế, như: Khu Du lịch Tam Chúc; 12 khu, điểm du lịch trên địa bàn đã được công nhận "Khu, điểm du lịch" theo quy định; sân golf Kim Bảng, sân golf Tượng Lĩnh và nhiều điểm tham quan, du lịch đang được đưa vào đầu tư khai thác; toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở lưu trú và các nhà hàng, khu mua sắm phong phú... không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế, mà còn có khả năng đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế có quy mô lớn. Sản phẩm dịch vụ du lịch Hà Nam đã và đang ngày càng được cải thiện về mặt chất lượng, đa dạng, phong phú với nhiều dòng sản phẩm mới hấp dẫn, độc đáo, như: du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch MICE, du lịch golf... thu hút du khách trong và ngoài nước.
9 tháng đầu năm 2024, Hà Nam đón trên 4,2 triệu lượt khách, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế ước đạt 109 nghìn lượt người. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 3.300 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 10/2024, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Phát triển du lịch năm 2024 tại Khu Du lịch Tam Chúc với sự hiện diện và tham dự của nhiều đại biểu trong nước, quốc tế. Đặc biệt, tại hội nghị, UBND tỉnh Hà Nam đã ký kết hợp tác phát triển du lịch, trao quyết định, giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này…