Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quảng bá di sản bằng công nghệ số hóa ở Bảo tàng Hà Nam

Tin tức - Sự kiện  
Quảng bá di sản bằng công nghệ số hóa ở Bảo tàng Hà Nam
Để công chúng tiếp cận với di sản bằng cách nào, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt là điều mà những người làm công tác bảo tàng, bảo tồn di sản hiện nay quan tâm. Với việc khai thác nền tảng công nghệ như dữ liệu 3D nhằm số hoá, lưu trữ, tái hiện một cách chân thực hình ảnh các di sản và có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo tồn, phục dựng và quảng bá di sản, Bảo tàng Hà Nam đã và đang tiếp cận dần công nghệ bằng nhiều cách trong điều kiện còn khó khăn. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam xung quanh vấn đề này.

P.V: Thời gian qua, Bảo tàng Hà Nam gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động quảng bá di sản, việc đưa mô hình số hoá tư liệu bảo tàng vào ứng dụng được đặt ra như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Ông Đỗ Văn Hiến: Việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của bảo tàng là hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, khi các nhà nghiên cứu, người dân không trực tiếp đến với bảo tàng được, họ phải thông qua công nghệ thông tin. Vì vậy, phải tạo kênh tuyên truyền, quảng bá trên website, có thể là mạng xã hội như facebook, zalo…, đưa mô hình công nghệ 3D số hoá vào để người dân có thể tiếp cận hiện vật cụ thể hơn, sinh động hơn, rõ ràng hơn. Các nhà nghiên cứu và người dân không cần đến bảo tàng mà vẫn có thể chiêm ngưỡng, tiếp cận được không gian di tích một cách gần gũi ở nhiều góc độ khác nhau và hiểu được các giá trị của di sản.

Quảng bá di sản bằng công nghệ số hóa ở Bảo tàng Hà Nam - Ảnh 1.Quảng bá di sản bằng công nghệ số hóa ở Bảo tàng Hà Nam - Ảnh 1.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh kiểm tra b​ản dập trán bia Sùng Thiện Diên Linh.

P.V: Bảo tàng Hà Nam hiện đã tiếp cận được mô hình này đến đâu, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Hiến: Trước đây, các bảo tàng địa phương cũng đã được chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình này nhưng do điều kiện về kinh phí, công nghệ nên mới chỉ có một số bảo tàng ở cấp Trung ương áp dụng, trong đó Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đi tiên phong. Còn lại các bảo tàng khác ở giai đoạn bắt đầu tiếp cận và triển khai, trong đó có Bảo tàng Hà Nam.

Năm 2021, Bảo tàng Hà Nam đã phối hợp với Công ty Du lịch Tam Chúc mời một số chuyên gia ở Hà Nội về thực hiện tư liệu hoá, hình ảnh hoá hơn 1.000 hiện vật khai quật được ở chùa Long Đọi Sơn. Những hiện vật, tư liệu này đã được các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học, bảo tàng sắp đặt lại, xác định những mảnh vỡ đúng vị trí ban đầu của nó, trên cơ sở đó phân loại cấu trúc hiện vật, di tích để từ đó hình dung ra được kiến trúc, không gian di tích như thế nào. Công việc rất tỉ mỉ, các chuyên gia phải đo vẽ từng mảnh vỡ, in dập từng họa tiết để đưa lên máy thực hiện tư liệu hoá. Một trong những hiện vật đã được tư liệu số hoá là Bia Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi Sơn, bia chùa Dầu và một số hiện vật ở chùa Địa Tạng Phi Lai… Tất cả các tư liệu này sau khi số hoá sẽ được trích dẫn và bổ sung thông tin để từ đó người xem có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu những kiến thức chứa đựng trong các di sản tư liệu này.

P.V: Việc tiếp cận công việc này đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh như thế nào, họ có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Hiến: Nếu như không có sự hướng dẫn của các chuyên gia thì anh em Bảo tàng tỉnh khó có thể tiếp cận được công nghệ này, bởi vì, hầu như tất cả cán bộ, nhân viên ở đây không có chuyên môn về công nghệ thông tin. Những chuyên gia chúng tôi mời tham gia vào việc tư liệu số hóa một số hiện vật thu được ở chùa Long Đọi Sơn, chùa Dầu, chùa Địa Tạng Phi Lai là những người thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Họ sẽ làm, hướng dẫn và chuyển giao công nghệ, anh em sẽ từng bước tiếp cận và nắm bắt những vấn đề cơ bản, thực tế của số hoá tư liệu hình ảnh là như thế nào. Có những hiện vật như những hiện vật ở chùa Long Đọi Sơn được khai quật cách đây 20 năm vẫn nằm trong kho, giả sử có mang ra trưng bày thì người ta chỉ biết rằng nó là những thứ thuộc về khu vực đó, thí dụ như những mảng vỡ của tháp chẳng hạn, nhưng không biết nó ở chỗ nào của tháp. Và, một khi đã không biết nó nằm ở bộ phận vật nào của tháp thì không thể nào vào hồ sơ được. Bởi vì, khi vào hồ sơ một hiện vật nào đó, phải ghi rõ kích thước bao nhiêu, nằm ở vị trí nào và đang được quản lý ra sao… Cái khó là điều kiện máy móc, thiết bị của chúng tôi để đáp ứng thực hiện quá trình số hoá không có, những thiết bị này không có trong danh mục mua sắm của Bảo tàng hằng năm. Hơn nữa, đây là công nghệ mới, bắt buộc anh em phải được đào tạo, bồi dưỡng thì mới làm được.

P.V: Nói như vậy, việc học hỏi, tiếp cận công nghệ số hoá di sản vừa qua đối với cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh theo hình thức "cầm tay chỉ việc", được hướng dẫn trực tiếp trên cơ sở những việc các chuyên gia họ đã và đang làm cho Hà Nam?

Ông Đỗ Văn Hiến: Có thể nói là như vậy! Cái cách mà anh em bảo tàng học hỏi từ đội ngũ chuyên gia là từ những sản phẩm đã hoàn thiện của họ. Tất cả những công việc số hoá tư liệu, di sản họ làm ở Hà Nam bước đầu mang đến cho anh em hình dung ra một thực tế công việc cần nghiên cứu, học hỏi một cách bài bản chứ không thể qua loa được. Thí dụ việc sử dụng công nghệ dập hình ảnh, nó khác với việc chúng ta dập bia trước đây, chỉ dùng giấy dó và mực đen, tất cả những hoa văn trên tấm bia sau khi được dập khó mà hiển thị hết thảy mọi đường nét. Nhưng khi áp dụng công nghệ mới này, tất cả mọi chi tiết, dù là nhỏ nhất của hiện vật cũng được hiện lên rõ ràng hơn. Nó là kết quả của thiết bị máy móc, công nghệ mang lại.

P.V: Việc tư liệu hoá hình ảnh bằng công nghệ số sẽ giúp ích cho công tác bảo tàng lưu trữ được nguyên gốc di sản tốt hơn?

Ông Đỗ Văn Hiến: Đúng thế! Sau khi thực hiện quá trình tư liệu hoá hình ảnh di sản xong sẽ giúp cho bảo tàng chúng tôi đưa vào sổ kiểm kê hiện vật, lúc đó mới trở thành hiện vật, mới vào hồ sơ, mới thống kê, phân loại. Đó là quá trình đầu tiên của số hoá, phải có tư liệu thì mới số hoá được. Sau này, nếu đủ diều kiện thì mình tiếp tục thực hiện công nghệ 3D số hoá.

Có thể coi đây là một hướng đi mới, một phương pháp mới thực hiện chuyển hoá thông tin để chúng ta có thể nhận biết và khai thác tư liệu về di sản qua những hình thức tiếp cận từ cơ sở dữ liệu, website, phim ảnh…

P.V: Bảo tàng tỉnh chắc chắn đã đặt ra mục tiêu lớn hơn từ việc số hoá di sản văn hoá, tư liệu, trong đó có công tác quảng bá, giới thiệu di sản đến với công chúng một cách rộng rãi đúng không, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Hiến: Đó là mục tiêu của hoạt động bảo tàng trong giai đoạn mới, tình hình mới hiện nay. Việc thực hiện số hoá di sản chính là cách mang đến cho di sản một sức sống mới, một con đường mới tiếp cận công chúng, để nó không nằm yên trong bảo tàng. Công chúng của bảo tàng sẽ không bị bó hẹp ở một giới hạn địa lý nào đó, công nghệ thông tin sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu, công chúng ở khắp mọi nơi trên thế giới chiêm ngưỡng và tìm hiểu sâu sắc hơn, thuận tiện hơn về các di sản dưới nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như thời gian qua, du khách không thể đến bảo tàng để thăm quan hay chiêm ngưỡng các hiện vật, tư liệu thì việc số hoá di sản sẽ giúp họ ngồi ở nhà cũng có thể nhìn thấy, nghe thấy những hình ảnh và  âm thanh ở các di tích mà mình muốn tìm hiểu.

P.V: Xin cảm ơn ông!

bvhttdl.gov.vn