Bài “Con mèo mà trèo cây cau"
Xưa nay, người Việt thường gọi bài “Con mèo mà trèo cây cau" là ca dao, và cũng gọi là đồng dao (ca dao dành cho con trẻ). Theo nghĩa đồng dao, người lớn muốn cho con trẻ biết: Con mèo chỉ biết trèo leo, chuột cũng làm tổ (ổ) trên cây cau. Phần ý nghĩa ngụ ngôn là của người lớn:
“Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo".
Qua bài ca dao, mọi người đều hiểu được bộ mặt giả nghĩa nhân, giả đạo đức của kẻ mạnh, ranh ác (nghĩa trực tiếp là của con mèo, nghĩa bóng chỉ kẻ đạo đức giả): Đến sát hại kẻ yếu (ăn thịt chuột) , mèo ra vẻ thân tình gọi chuột là “chú" (hỏi thăm chú chuột). Cũng rất nhiều người hiểu được: Qua lời lẽ biểu cảm, người nông dân khinh miệt, tố cáo kẻ mạnh, ác, đạo đức giả; đứng về phía sinh vật nhỏ nhoi, yếu thế mà che chở, bênh vực. Đó là tâm lý bênh vực kẻ yếu của người nông dân xưa kia. Có tâm lý này là do nhiều đời người nông dân bị trị, bị bóc lột (hết thời phong kiến lại đến thời thực dân). Không những bênh vực, người nông dân còn giúp kẻ yếu chống trả lại kẻ mạnh, ác, đạo đức giả một đòn hiểm:
“Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo"
Mắm, muối là đồ ăn mặn, mèo rất sợ; đồng thời mắm, muối cũng để làm thịt mèo. Nhưng ý nghĩa nhân văn sâu xa của bài ca dao là tấm lòng thiện của người nông dân. Họ muốn điều lành tránh xa cái ác, không muốn cái ác xảy ra. Trong khi con mèo (kẻ gieo cái ác) đang leo cây cau tìm chuột ăn thịt - nghĩa là đang hướng thượng, thì người nông dân muốn (chỉ hướng) cho “chú" chuột đi chợ đường xa nơi mặt đất. Chợ không rõ ở đâu, nhưng miễn sao không cùng hướng chuyển động của con mèo.
Bức tranh “Đám cưới chuột"
Đây là bức tranh dân gian làng Đông Hồ, hàm súc ngụ ngôn. Xưa nay rất nhiều người viết bài phân tích và đều có những phát hiện... Nhưng bức tranh vẫn còn nhiều ý ngỏ, chưa hết lý thú. Nhiều người cho rằng bố cục bức tranh chia làm hai hàng trên, dưới. Hàng trên có 4 chuột già đem lễ vật là chim, cá cống nạp cho mèo để thế mạng mình; lại còn thổi kèn để mèo nghe xuôi tai mà nhận cho. Hàng dưới gồm 8 chuột non, mà dựa vào đây người ta gọi tên cho tranh là “Đám cưới chuột" hay “Trạng chuột vinh quy". Trong bài viết, chúng tôi căn cứ vào ký hiệu Ngũ hành ở bên trái bức tranh để lý giải.
Ngũ hành theo quan niệm Âm Dương Ngũ Hành của người Á Đông gồm 5 hành tinh mang đặc tính của 5 chất tố trong tự nhiên (Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ), có cấu trúc vòng. Thể theo Ngũ hành có Ngũ phương, Ngũ sắc và Ngũ phúc. Ngũ phương gồm: Đông, Tây, Nam, Bắc và phương Đất. Ngũ sắc gồm: trắng, xanh, đen, đỏ, vàng. Ngũ phúc có: Phú (giàu có), Quý (sang trọng), Thọ (sống lâu), Khang (mạnh khỏe), Ninh (yên ổn). Như vậy:
Phương Tây (Hành kim), màu trắng, biểu hiện sự giàu có
Phương Đông (Hành mộc), màu xanh, biểu hiện sự sang trọng
Phương Bắc (Hành thủy), màu đen, biểu hiện sự sống lâu bền
Phương Nam (Hành hỏa), màu đỏ, biểu hiện sức sống sinh sôi, nảy nở
Phương Đất (Hành thổ), màu vàng, biểu hiện cuộc sống yên ổn.
Trong tranh, 4 con chuột già vận động theo từ Hành kim lên Hành thủy tức từ Tây lên Bắc và bị mèo chặn đường. Sự chuyển vận này ngược đường bay của chim Lạc trên trống đồng, theo quan niệm của người Việt cổ thì là hướng không thuận (nghịch). Không sang được phương Đông, nơi cây cối tươi tốt, tức không đến với cuộc sống, là đi vào đường chết. 8 con chuột non vận động theo hướng từ Tây xuống Nam, nghĩa là từ nơi không sinh (theo quan niệm Phật) đến miền sinh sôi, nảy nở; rồi sang Đông, theo chiều chim Lạc bay trên trống đồng, là chiều thuận. Phương Nam tươi ngời sức sống, vùng đất dồi dào hoa trái, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Phương Đông cây cối xanh tươi, cuộc sống tốt lành. Dưới chân 8 chuột non đang hành trình, nghệ nhân dân gian làng Đông Hồ vẽ mảng màu đỏ tượng trưng cho gò đất phương Nam; lại vẽ mảng màu xanh, tượng trưng cho gò đất phương Đông. Xuống phương Nam để sinh sôi, nảy nở nên tranh mới được gọi tên là “Đám cưới chuột" (cưới để sinh đẻ). Sang phương Đông hướng tới thành đạt, sang trọng (cầu chữ Quý) nên tranh còn được gọi là “Trạng chuột vinh quy" (thi đỗ trạng về làng cưới vợ).
Căn cứ vào dòng chữ Hán viết thảo “Lão thử thủ thân" (Lão chuột giữ mình) ở trên đầu 4 chuột già hàng trên, chúng tôi nghĩ: Lão chuột biết mình, biết mèo, đã mạnh dạn đem lễ vật là chim, cá đến đút lót, lại thổi kèn nịnh mèo, cốt để giữ yên sự sống cho mình và cho con cháu họ nhà chuột. Sự sống yên ổn (cầu chữ Ninh), con cháu đông đúc, chính là nhà có phúc. Vì vậy, theo chúng tôi nghĩ, bức tranh còn có thể gọi tên là “Lão chuột giữ mình".
Lại nói về con mèo trong bức tranh này: Nhiều người thấy cảnh các lão chuột đút lót, nịnh nọt mèo nên cho rằng, mèo là thế lực cai trị, chuột bị trị, bèn gọi mèo là “quan mèo", “cụ mèo"; rồi còn suy ra bức tranh mượn hình ảnh mèo và chuột để tố cáo xã hội phong kiến, giai cấp thống trị bóc lột giai cấp bị trị!? Người viết bài này không cho hẳn là như thế, mà vẫn dựa vào ký hiệu Ngũ hành, lấy tín hiệu thông tin giải mã: Triết lý Âm Dương Ngũ Hành đề cập đến sự tương sinh và tương khắc, chế áp lẫn nhau giữa các chất tố trong tự nhiên, như Hỏa khắc Thuỷ (lửa với nước), Mộc khắc Kim (cây cối với kim loại)... Vạn vật đều như thế, chuột sinh ra để tương khắc, cho mèo ăn thịt; mèo sinh ra để ăn thịt chuột. Nhưng con mèo trong tranh “Đám cưới chuột", vì nhiều lần ăn của đút lót và nghe bài kèn nịnh hót của đám chuột già, đã thành thói quen, nên “quên" bản năng tự nhiên của loài mèo là ăn thịt chuột. Khi mèo đã không ăn thịt chuột thì không còn là mèo nữa, nó đã thoái hóa, biến chất. Vì vậy trong tranh, con mèo ở đây được miêu tả rất khác thường: Mắt không tròn và sáng xanh mà tít lại, bộ râu cứng đơ như chẳng còn nhạy cảm, cái bụng không thon gọn như mèo bình thường mà to phệ như bụng lợn, bốn chân thì quá nhỏ so với thân thể nặng nề bởi quen ăn sẵn, chẳng chịu đi tìm mồi, ít phải vận động... Nói khác đi, con mèo ở đây đã bị các lão chuột biến thành hình nộm, cố ra vẻ oai vệ nhưng thiếu đi sức sống, rất ngu đần, chỉ chăm chú cái lợi trước mắt (lễ vật chim, cá) mà không thấy lũ chuột non tơ ngon lành đằng sau lưng các lão chuột già, đang hành trình về nơi sinh sôi, phát triển. Nó khác hẳn với con mèo trong bài ca dao “Con mèo mà trèo cây cau", càng khác con mèo trong truyện ngụ ngôn “Vồ con đi sau" của người Việt. Truyện kể rằng, có một con mèo giả nhân từ, luôn miệng nói rằng “Thương lắm! không ăn thịt chuột", nên lũ chuột chủ quan thường kéo đàn đi qua mặt nó. Nó vờ như không nhìn thấy, bỏ qua những con chuột trưởng thành đi trước, mà chỉ vồ con non đi sau. Lũ chuột mỗi ngày cứ hao dần, khi nhận ra thì số con trong đàn chẳng còn mấy. Trong tranh “Đám cưới chuột" của làng Đông Hồ cũng có vẽ một con chuột màu đen đi sau rốt. Nó là con chuột non nhất trong cuộc hành trình từ nơi đen tối về miền tươi sáng, như đang ngoái lại cảnh giác với loại mèo chuyên “vồ con đi sau".
Trong tự nhiên, chuột là loài yếu, tuổi đời kém, nên phải sinh nở nhiều để bù vào số lượng luôn hao hụt bởi mèo ăn thịt. Mèo mà không “hiểu" điều đó, lại không ăn thịt chuột, chuyển sang ăn chim, cá thì họ nhà chuột có cơ may tha hồ phát triển, sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Đấy cũng là ngụ ý mà bức tranh “Đám cưới chuột" của làng Đông Hồ hài hước, hóm hỉnh nói tới!