Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mùa hạ trong thơ Nguyễn Khuyến

Tin tức - Sự kiện  
Mùa hạ trong thơ Nguyễn Khuyến

Mỗi khi có dịp nhắc đến thi hào Nguyễn Khuyến, người ta thường liên tưởng ngay đến chùm thơ Thu nổi tiếng của ông. Điều này thật dễ hiểu, vì đây là chùm thơ chữ Nôm, tiêu biểu nhất cho phong cách, giọng điệu, cái tài năng và cái tôi trữ tình của nhà thơ. Nhưng Nguyễn Khuyến còn là tác giả của chùm thơ mùa Hạ khá hay, gồm ba bài thơ chữ Nôm "Than mùa hè", "Vịnh mùa hè", "Cuốc kêu cảm hứng" và khoảng năm bài thơ chữ Hán: "Hạ nhật" (Ngày hè), "Hạ vũ" (Mưa ngày hè), "Hạ nhật ngẫu thành"        (Ngày hè ngẫu thành), " Hạ nhật hàn vũ" (Mưa lạnh ngày hè). Trừ bài thơ "Than mùa hè" và bài thơ "Hạ nhật ngẫu thành" được sáng tác theo thể Ngũ ngôn cổ phong, còn lại đều được sáng tác theo thể Thất ngôn bát cú Đường luật. Ở mức độ nào đó, chùm thơ mùa Hạ cũng thể hiện được một phần tài năng, phong cách giọng điệu và cái tôi chữ tình của thi nhân.

          Mặc dù sống và sáng tác chủ yếu vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, nhưng toàn bộ di sản thơ ca đồ sộ của ông vẫn được giới nghiên cứu văn học xếp vào phạm trù thơ ca Trung đại (mà trước đây gọi là thơ cổ, văn học cổ). Trong thơ ca Trung đại Việt Nam, dù là thơ Đường luật hay thơ Cổ phong, dù là thơ trữ tình hay thơ tự sự, hoặc thơ trào phúng, bao giờ cũng tuân theo một cách đặc trưng thi pháp có tính chất bao trùm là "tức cảnh ngụ tình", "tâm cảnh giao hòa" (tả cảnh để tả tình, tình lồng trong cảnh). Giữa nhà thơ - chủ thể sáng tạo với nhân vật trữ tình và cái tôi trữ tình có mối liên hệ biện chứng với nhau. Riêng trong thơ trữ tình, giữa nhà thơ với cái tôi trữ tình bao giờ cũng có sự thống nhất cao độ. Do vậy, tìm hiểu cái tôi trữ tình của Nguyễn Khuyến qua thơ mùa Hạ của ông chính là tìm hiểu tâm tư, tình cảm, thế giới tâm hồn của nhà thơ qua ngôn từ, vần luật, hình ảnh âm thanh, nhịp điệu, mầu sắc được cấu trúc một cách nghệ thuật trong các bài thơ cụ thể.

          Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về cái tôi trữ tình trong thơ mùa Hạ của Nguyễn Khuyến là nó được tàng ẩn rất kín đáo sau cảnh sắc thiên nhiên và cảnh sắc sinh hoạt làng quê trong thời gian Nhà thơ ẩn dật tại quê hương. Cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt nông thôn đồng bằng Bắc bộ đi vào thơ Nguyễn Khuyến rất mực chân thực. Đây là cảnh sắc thiên nhiên và cảnh sinh hoạt nông thôn vào buổi sáng mùa Hè:

“Lúa mới ngậm đòng, càng mập mạp.

 Tằm vừa đẫy giấc, đã ngo ngoe

 Gióng trâu chú bé giơ roi thúc

 Thăm ruộng ông bô chống gậy về".

                                                                    (“Hạ nhật tâm tình" - Đỗ Ngọc Toại dịch)

          Còn đây là cảnh sắc thiên nhiên nông thôn Bình Lục vào một ngày nắng đẹp:

“Cá vượt khóm rau, lên mặt nước

 Bướm len lá trúc, lượn rèm thưa".

                                          (“Vịnh mùa hè" - Tác giả tự dịch từ bài Hạ nhật ngẫu hứng)

          Và đây là cảnh sắc thiên nhiên vào một ngày mưa mùa Hè qua con mắt của "Túy ông":

“Mưa mau sầm sập bóng mây mờ.

 Ngất ngưởng phòng riêng cửa khép hờ".

                                                                        (“Hạ Vũ" - Dương Xuân Đàm dịch)

          Thi pháp đối ngẫu rất khắt khe và chặt chẽ về sự vật với sự vật, về không gian với không gian, về âm thanh với âm thanh, về nhịp điệu với nhịp điệu, về mầu sắc với mầu sắc của thơ Đường luật không cho phép Nguyễn Khuyến hướng ngòi bút vào tả cảnh một cách chi tiết, tỉ mỉ như văn học hiện thực sau này. Nhà thơ buộc phải vận dụng năng lực cảm nhận, tài quan sát và thao thác lựa chọn để đưa vào trong thơ những chi tiết và hình ảnh vừa cụ thể và vừa sinh động, lại vừa thiết thực vừa gần gũi với mỗi người dân Việt Nam. Nét đặc sắc của cảnh vật mùa Hạ, dưới cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Khuyến thể hiện ở chỗ luôn sống động, chứ không tĩnh tại. Phảng phất sau mỗi hình ảnh thơ, mỗi câu thơ giản dị mà chắt lọc kia là những tấm lòng đồng cảm, gắn bó mật thiết của Nguyễn Khuyễn với quê hương làng xóm.

          Thơ ca trung đại trước Nguyễn Khuyến, khi tả cảnh hay tả tình, khi vịnh sử hay vịnh cảnh, thường mang nặng tính khuôn sáo, ước lệ. Thơ tả cảnh bao giờ cũng có: "tùng, cúc, trúc , mai" hoặc "phong, hoa, tuyết, nguyệt". Thơ tả người bao giờ cũng xoay quanh đối tượng "ngư, tiều, canh , mục".  Thơ tả bốn mùa bao giờ cũng có "xuân, hạ, thu, đông". Nói đến cảnh mùa Xuân thì thường có hoa đào và chim én. Nói đến cảnh mùa Hè thì thường có tiếng chim đỗ quyên và hoa sen. Còn nói đến mùa Thu thì không quên hoa cúc và cây liễu yểu điệu... Điều đó thể hiện đậm nét trong thơ Lý Trần, thơ của hội Tao đàn, thơ Đoàn Thị Điểm, Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du... Phải đợi đến Hồ Xuân Hương và sau đó là Nguyễn Khuyến, Tú Xương, thì những đề tài cuộc sống thường nhật mới được phản ánh trong thơ ca. Trong thơ Hồ Xuân Hương, người đọc gặp khá nhiều những hình ảnh bình thường được Nhà thơ cảm nhận như con ốc nhồi, quả mít, cái bánh trôi nước, người con gái không chồng mà chửa, nhà sư ghẹo gái... Với Nguyễn Khuyến nói chung và thơ mùa Hạ của ông nói riêng, người đọc cũng bắt gặp rất nhiều cảnh vật và con người bình thường, tức là những đề tài bình dân, gần gũi, quen thuộc với người lao động: cá vượt khóm rau, tằm vừa đẫy giấc đang ngo ngoe ăn lá dâu, chú bé chăn trâu, ông lão đi thăm đồng ruộng, bướm vàng lượn rèm thưa, quạ tha rác làm tổ, hạc đậu bờ tre xào xạc... Những đề tài bình dân ấy trước đó không thể có mặt trong Văn học trung đại. Cho nên, ở chừng mực nhất định, phải xem Nguyễn Khuyến  là nhà thơ đã thực hiện một bước cách tân lớn trong việc đưa thơ ca trở về gần với cuộc sống thực. Khẳng định như thế cũng đồng nghĩa với việc khẳng định Nguyễn Khuyến bắt đầu hình thành một quan niệm nghệ thuật, một cái nhìn nghệ thuật ít nhiều mới mẻ, khác lạ so với gần như toàn bộ truyền thống Văn học trung đại trước đó.

          Không chỉ ẩn tàng một cách kín đáo cảnh sắc thiên nhiên và cảnh sinh hoạt nông thôn, cái tôi trữ tình của Nguyễn Khuyến còn được thể hiện một cách hài hòa qua tâm sự ưu thời mẫn thế, qua  nỗi buồn chán cô đơn của một nhân cách lớn trước thế sự trầm phù. Trong bài thơ Nôm "Cuốc kêu cảm hứng" Nhà thơ đã gửi gắm nỗi buồn, nỗi ưu tư trước tình cảnh mất nước qua âm thanh tiếng cuốc kêu mùa Hè:

“Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ

 Ấy hồn Thục đế thác bao giờ?".

          Trước Nguyễn Khuyến, các nhà thơ của Trung Quốc và Việt Nam sử dụng tiếng cuốc để diễn tả cảm xúc hoài cổ và phản ảnh nỗi buồn đã khá nhiều. Nguyễn Trãi tả tiếng chim đỗ quyên trong một ngày cuối Xuân, đầu Hạ, Bà Huyện Thanh Quan nghe tiếng chim đa đa và tiếng chim cuốc đều đều, dóng dả trong một buổi chiều tà khi đi qua đèo Ngang. Rồi Nguyễn Du cũng tả tiếng chim cuốc vào một đêm Hè qua tâm sự của Thúy Kiều:

"Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông"

                                                                                  (Truyện Kiều)

 Là người đi  sau, nhưng Nguyễn Khuyến không rơi vào sáo mòn, mà có cách thể hiện mới mẻ:

“Năm canh máu chảy đêm hè vắng

 Sáu khắc hồn tan, bóng nguyệt mờ

 Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,

 Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?".

          Ở đây, nghệ thuật đối ngẫu, nghệ thuật sử dụng câu hỏi tu từ đã có sức diễn tả rất đạt cái tâm sự u hoài đau xót của Nhà thơ về tình cảnh non sông chìm đắm cuối thế kỷ XIX. Nỗi đau xót ấy càng được nhân lên gấp bội phần khi âm thanh tiếng chim cuốc gợi lên thân phận mất nước, nhớ nước của Thục đế khi xưa ở Trung Quốc. Tương truyền cuối đời Hán, Thục đế là Lưu Thiện, vì ăn chơi sa đọa, dẫn đến mất nước, lúc chết hóa thành con chim cuốc, đêm đêm kêu ròng rã: "Thục quốc" " Thục quốc", đến mức bật máu ra rất thảm thiết. Điển cố văn học trên đã được Nguyễn Khuyến khai thác để gửi gắm tâm sự không kém phần da diết xót xa. Không buồn chán về tình cảnh đất nước, thi nhân không thể có những câu thơ thổn thức nỗi niềm đến thế!

          Nếu bài thơ " Cuốc kêu cảm hứng" phản ảnh nỗi buồn, nỗi ưu tư của Nguyễn Khuyến thì bài thơ "Than mùa hè" lại chứa đựng tâm trạng chán chường của thi sĩ trước thời thế:

"Tháng tư đầu mùa hạ

  Tiết trời thực oi ả

 Tiếng dế kêu thiết tha

 Đàn muỗi bay tơi tả..."

          Cuộc sống cá nhân nghèo túng, xã hội ngột ngạt, tiết trời oi ả... tất cả những khía cạnh ấy đã khiến cho Nguyễn Khuyến buồn bã, thao thức, mất ngủ:

 "Nỗi ấy ngỏ cùng ai

  Cảnh này buồn cả dạ

  Biếng nhắp năm canh chầy

  Gà đã sớm giục giã..."

          Phản ảnh tâm hồn sự ưu thời mẫn thế, nỗi buồn khắc khoải và cô đơn của một nhân cách lớn trước thời cuộc, cái tôi trữ tình của ông đồng thời còn dung chứa thú nhàn tản, điền viên của người ẩn sĩ thanh cao, liêm khiết. Thơ viết về mùa Hạ của ông không ít câu, hình ảnh thể hiện phong thái ung dung, thanh thản tiêu dao của người ẩn dật:

"Phía tây nam có ao nước trong

Cúi nhìn cá bơi lội thung thăng

Phía đông bắc có bờ tre rậm

Mở cửa sổ khi buổi sáng mát mẻ

Chống gậy tha hồ đi ra đi vào

Tựa ghế muốn ngồi thấp ngồi cao tùy ý..."

                                                        (“Hạ nhật ngẫu thành" - Đỗ Ngọc Toại dịch nghĩa)

          Phảng phất trong ý thơ còn có cái vẻ cao đạo, trong sạch của con người vừa thoát khỏi quan trường. Thời xưa không ít nhà Nho chân chính, quan niệm quan trường là sợi dây trói buộc con người. Bả công danh khiến con người giàu sang, nhưng cũng lắm lúc biến con người  thành nô lệ, mất tự do, thỏa mái.

          Bắt buộc phải từ quan về quê ẩn dật đôi khi Nhà nho Nguyễn Khuyến cũng tự cảm thấy đầy đủ về vật chất và tinh thần, chứ trong thực tế thì ông rất nghèo:

"Vải chín , bà hàng bưng quả biếu

Cá tươi, lão dậm nhấc nơm chào

Nghe chim giữa lúc vừa say dậy

Giở sách ôn câu chửa nhãng nào..."

                                                        (“Hạ nhật" - Đặng Đức Tô dịch thơ)

          Giống như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An và Đào Uyên Minh là những nhà Nho ẩn dật, Nguyễn Khuyến cố tìm thấy niềm vui giữa đời thường để khỏa lấp nỗi buồn. Các nhà Nho trước Nguyễn Khuyến chỉ cảm thấy tự đầy đủ còn Nguyễn Khuyến thì có thêm cái lo toan của nhà nông, rất mực đời thường và cũng rất gần với suy nghĩ của người lao động:

"Ngày Hạ chang chang nắng kéo dài

  Nhà Nho mùa đến việc tơi bời

  Đã e có thóc, nhà thêm nóng

  Lại sợ không lương bụng đói hoài..."

                                                                     (“Quan hoạch" - Đỗ Ngọc Toại dịch thơ)

          Một nét đặc biệt khác, cái tôi trữ tình của Nguyễn Khuyến rất tự trọng, tự ý thức về nhân cách , phẩm giá của mình. Thơ Nguyễn Khuyến nhắc nhiều đến Đào Tiềm tức Đào Uyên Minh - một nhà Nho, từng làm quan ở đất Bình Trạch, đời Tấn bên Trung Quốc, sau từ quan về ẩn dật nơi thôn dã. Bài thơ "Vịnh mùa hè", Nguyễn Khuyến  viết hai câu luận để ví ngầm cái chí của mình với cái chí của Đào Tiềm và Liễu Tông Nguyên:

“Thơ Đào của miệng đưa câu rượu

  Xóm Liễu quanh khe chịu tiếng khờ..."

          Cả hai câu đều được kiến trúc bằng điển cố văn học. Câu thứ nhất ngầm khẳng định Nhà thơ muốn học theo chí bình sinh của Đào Tiềm là từ quan, ẩn dật, tìm thú vui nơi non xanh nước biếc. Câu thứ hai nói về cách ứng xử với đời của mình sau khi từ quan, giống như cách ứng xử của Liễu Tông Nguyên, tự nhận mình thuộc loại người "ngu dại". Thực ra đây chỉ là biểu hiện chí khí một cách thanh cao của nhà Nho. Nguyễn Khuyến đắn đo nhiều trước khi từ quan về ẩn dật. Tình thế đất nước lúc bấy giờ khiến người có lương tâm chỉ có hai cách lựa chọn: Một là đứng lên chống thực dân Pháp, hai là bất hợp tác với chúng. Nguyễn Khuyến đã chọn con đường thứ hai. Chứ một người từng ba lần đỗ đầu như ông sao lại có thể là "ngu" là "dại " được?

          Khi tìm hiểu thơ Nguyễn Khuyến, các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh đến giọng điệu hóm hỉnh, mát mẻ, sâu cay của ông. Điều đó đúng nhưng chỉ có ở những bài thơ tự trào và trào phúng. Còn ở chùm thơ mùa Hạ, giọng điệu đó không thấy biểu hiện, dù mờ nhạt. Đọc thơ mùa Hạ của ông, người đọc chỉ thấy giọng điệu u hoài, ngậm ngùi, chua xót. Thơ có vui nhưng là vui gượng. Âm hưởng chủ đạo toát lên là âm hưởng buồn: buồn vì thời thế, buồn vì thân phận. Giọng điệu và âm hưởng ấy lại được dung chứa ở nhịp thơ 4 -3 liên tục trong các bài thơ Đường luật, Thất ngôn bát cú và đặc biệt ẩn tàng trong các câu hỏi tu từ không có lời đáp "Nỗi ấy ngỏ cùng ai?,"Có phải tiếc xuân mà đứng gọi/ Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?"...

          Nhìn chung lại cái tôi trữ tình trong thơ mùa Hạ của ông là cái tôi trữ tình đa sắc thái, đa chiều giầu tính biểu cảm, giầu tính biểu hiện. Có khi nó ẩn kín sau cảnh sắc thiên nhiên và cảnh sinh hoạt nông thôn, có khi nó thể hiện ở tâm sự ưu thời mẫn thế, buồn chán, cô đơn của Nhà thơ trước thời cuộc. Cũng có khi nó được biểu hiện trong thú nhàn tản, điền viên mà thanh cao của người ẩn sĩ, trong giọng điệu ngậm ngùi, u hoài, xót xa của con người tự thấy bất lực, tự thấy mình trở thành vô dụng trước sự trầm phù, dâu bể. Đó là thế giới tâm hồn đa cảm, là tâm tình của một nhà thơ rất mực tài năng, nhưng không gặp thời, luôn tự ý thức về tài năng và nhân cách của mình, trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố, có ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh dân tộc. Cái tôi trữ tình ấy không tránh khỏi bi lụy do bị giới hạn bởi thời đại và lịch sử, song thật đáng trân trọng biết bao.​


Bản tin VHTTDL Hà Nam