Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hình tượng con trâu qua văn hóa dân gian dân tộc kinh

Tin tức - Sự kiện  
Hình tượng con trâu qua văn hóa dân gian dân tộc kinh

Từ bao đời nay, trong đời sống vật chất và tinh thần nhiều tộc người thuộc nhóm Bách Việt cư trú và canh tác lúa nước ở vùng Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng, có một loài động vật có vú thuộc bộ guốc chẵn, thích đầm mình dưới nước, rất gần gũi, gắn bó mật thiết với người nông dân - đó là con trâu (miền Bắc Trung Bộ gọi là con chu; tiếng Hán gọi là thủy ngưu (để phân biệt với hoàng ngưu là con bò màu vàng, rất sợ nước).

Trong văn hóa dân gian dân tộc Kinh mà tiền thân là người Lạc Việt và người Âu Việt, con trâu (thủy ngưu) được thức nhận, được chiêm nghiệm rất sâu sắc và đa dạng, đa chiều.

Trước tiên, đối với người nông dân chuyên canh tác lúa nước (có kết hợp trồng tỉa hoa màu), con trâu được xem như một tài sản lớn. Để thực hiện chu trình cấy trồng cây lúa nước, người ta phải trình tự trải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn liên hoàn, mà khâu lật đất (cầy, bừa) là khâu đầu tiên, rất nặng nề, khó nhọc. Con trâu đã đảm nhiệm rất hiệu quả khâu này, điều mà con bò (hoàng ngưu) không gánh vác được do sức yếu và sợ nước. Chính vì thế, người nông dân coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Ở làng quê, đời người thường trải qua nhiều việc lớn song 3 việc sau được quan niệm là đại sự và khó khăn hơn cả: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy thật là khó khăn”. Cũng chính vì con trâu là tài sản lớn nên thời xưa chỉ những gia đình giàu có, khá giả mới đủ tiền tậu riêng một con, còn những gia đình nghèo thì phải vài hộ góp tiền chung nhau mới mua được một con.

Xem con trâu như một tài sản lớn, người nông dân đồng thời coi nó như một người bạn thân, tri kỉ, thể hiện qua lời ca dao nặng chất tâm sự, ân cần: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ trâu cầy với ta/ Cấy cầy vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công”. Hơn thế, người nông dân còn xem trâu như một thành viên trong gia đình, cộng đồng sản xuất, sướng khổ có nhau: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa”.

Con trâu gắn kết chặt chẽ với tuổi thơ và sống động trong kí ức tuổi thơ. Ở Việt Nam việc chăn trâu thường được giao phó cho trẻ con, nên mới có tên: mục đồng. Hình ảnh mục đồng cưỡi trâu, thổi sáo là hình ảnh thơ mộng, được phản ánh nhiều trong thơ ca, hội họa Việt Nam.

Không chỉ là tài sản lớn, là bạn thân của người nông dân, mà rất lâu rồi, trong truyện dân gian, con trâu là hình tượng ẩn dụ tượng trưng cho trí khôn của con người. Qua truyện “Trí khôn của tao đây” tác giả dân gian đã mượn hình ảnh con trâu cười lăn đến mức gẫy răng hàm trên và chi tiết con hổ bị trói, bị lửa đốt để ngầm khẳng định con người có trí khôn cho nên có sức mạnh hơn loài mãnh thú - dù là chúa sơn lâm hung dữ nhất.

Trong một giới hạn nào đó, con trâu là biểu tượng cho tinh thần cố kết và sức mạnh cộng đồng. Hàng vạn năm trước, loài trâu vốn sống tự nhiên trong rừng hoang; ở đó, chúng thường bị thú dữ như: hổ, báo săn đuổi, ăn thịt. Để tự vệ, trâu dùng cặp sừng cong và nhọn chống trả. Nhưng một con trâu thì không đủ sức đánh lại hổ. Bản năng sinh tồn đã mách bảo cả đàn trâu cùng hợp sức chống hổ dữ nên chúa sơn lâm nhiều phen chịu thua. Không bắt được trâu, hổ quay sang rình nghé. Để bảo vệ nghé, khi đêm xuống cả đàn trâu gồm trâu đực, trâu cái, trâu choai đứng thành vòng tròn, đầu và sừng chĩa ra ngoài, cho nghé ở giữa. Cách tự vệ cộng đồng đó rất hiệu quả. Hổ ít khi vồ được nghé, lắm phen còn bị trâu húc lòi ruột.

Giống như một số loài động vật quen thuộc gồm: chuột, hổ, mèo, rắn, ngựa, dê, lợn, chó… hàng ngàn năm qua, con trâu đã được con người “thiêng hóa”, “linh hóa”. Ở Việt Nam, dưới hình thức “Tử vi đẩu số”, “Tử vi hàm số” dạy cách lấy lá số và xét đoán vận mệnh con người đã chọn con trâu vào vị trí thứ 2 (Sửu) sau con chuột (Tý) và đứng trước 10 con còn lại trong hệ thống 12 con giáp. Triết học phương Đông rất coi trọng con trâu, nhìn nó như một phạm trù giàu sức khái quát. Khoa Thiên văn cổ của Việt Nam quan niệm trên trời có Nhị giáp bát tú (28 vì sao) trong đó sao Ngưu tức con trâu được “thần tiên hóa” qua tư duy dịch số.

Con trâu được người Việt “thiêng hóa” đậm nét qua nghi thức cày tịch điền - một hình thức khuyến nông đặc biệt của các cư dân trồng lúa nước. Vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê, vua Lý Thái Tông và vua Lý Nhân Tông nhà Lý đều thực hiện nghi lễ cày tịch điền tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt của triều đình đến phát triển nông nghiệp. Tâm thức “thiêng hóa” con trâu của người nông dân cũng ẩn tàng qua hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Với trò diễn chọi trâu ngày mồng Mười tháng Tám âm lịch hàng năm người ta vừa đề cao tinh thần thượng võ, vừa để cầu nước, cầu mưa, cầu mùa màng.

Tục ngữ dân tộc Kinh có câu: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Khi sống, trâu giúp người làm ruộng, kéo gỗ, kéo xe. Khi chết, nó cống hiến cho người xương, thịt, da, đặc biệt là da để làm trống. Con trâu ưa dầm mình dưới nước, cho nên chức năng đầu tiên của trống da trâu chính là mô phỏng tiếng sấm gọi mưa, bởi đối với nghề nông thì nước là yếu tố đầu tiên trong chu trình sản xuất (Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống). Trống da trâu còn có hàng loạt chức năng khác: âm nhạc (kể cả nhạc thiêng lẫn nhạc văn nghệ), tập trung cộng đồng khi có việc làng như lễ hội hay khi cần chiến đấu chống giặc.

Sẽ là thiếu sót nếu chỉ nói đến da trâu làm trống mà không nói đến sừng và móng của nó sau nhiều năm lầm lũi kéo cày bừa, ăn cỏ, uống nước, phục vụ con người. Làng nghề Đô Hai, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã thu gom sừng trâu chế tác thành gỗ mỹ nghệ cao cấp, bán cho khách hàng trong và ngoài nước.

Đầu thế kỉ XX trở về trước, người ta rất ít ăn thịt trâu do nó là tài sản lớn, giúp nông dân đắc lực việc đồng áng. Các triều đại Lý, Trần, Lê sơ rất trọng nông nghiệp cho nên có chính sách cấm giết trâu, trộm trâu. Chỉ trong tình huống đặc biệt, bất khả kháng (trâu già, ốm, hiến tế) người ta mới mổ thịt. Gần đây, máy móc đảm nhiệm công việc cầy bừa thay trâu nhiều, thành ra nó bị giết thịt nhiều hơn; chế biến những món như: thịt trâu xào rau muống, thịt trâu xào rau cần, thịt trâu hầm, luộc, hấp…vv. Theo kinh nghiệm dân gian, thịt trâu tính bình, lạnh, vị ngọt, hợp với người máu nóng, không hợp với người máu hàn. Vì thế, khi chế biến phải cho nhiều gừng, tỏi, tạo thành mùi đặc trưng, khó lẫn với thịt bò, thịt dê.

Do gắn bó mật thiết với người nông dân hàng mấy nghìn năm, cho nên con trâu được con người suy ngẫm, định lượng thành bậc thang giá trị văn hóa rất đa chiều, gắn với phong tục, tập quán, lối sống, nhân sinh quan cư dân nông nghiệp lúa nước. Ví như, để chỉ người làm khỏe, dân gian có câu: “Làm như trâu húc mả”; để chỉ loại lính tráng cậy thế quan trên giết người cướp của không ghê tay, dân gian có thành ngữ: “Đầu trâu mặt ngựa”; để chỉ kẻ dốt nát, không tinh tế khi thưởng thức âm nhạc, có thành ngữ: “Đàn gảy tai trâu”; chỉ sự ghen ghét, đố kị, có câu: “Trâu buộc ghét trâu ăn”; chỉ người quá lứa, nhỡ thì, có câu: “Trâu quá xá, mạ quá thì”…​


Bản tin VHTTDL Hà Nam