Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam thêm 02 di sản văn hoá được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tin tức - Sự kiện  
Hà Nam thêm 02 di sản văn hoá được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành các Quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 36 di sản. Trong đó, tỉnh Hà Nam có 02 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa hát Lải Lèn (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân) và Hát Trống quân Liêm Thuận (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm).

Hà Nam là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hiến và cách mạng, trải qua diễn trình lịch sử lâu dài, các thế hệ người dân Hà Nam đã bồi đắp, tạo dựng nên kho tàng di sản văn hóa vô cùng quý giá, đậm đà bản sắc dân tộc, chứa đựng trong kho tàng là tài sản văn hoá vô giá về những tri thức dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội, các nghề thủ công truyền thống… tiêu biểu, đặc sắc. Do đó, Hà Nam là một trong số ít  những địa phương trong cả nước có khá nhiều di sản văn hoá được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, tỉnh Hà Nam đã có tổng cộng14 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 12 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công bố trong Danh mục trước đó gồm: 05 lễ hội truyền thống: Lễ hội đền Trần Thương, đền Lảnh Giang, đền Bà Vũ, chùa Đọi Sơn, chùa Bà Đanh; Lễ Tịch điền Đọi Sơn (thị xã Duy Tiên), Lễ hội vật võ Liễu Đôi (huyện Thanh Liêm); 03 nghề thủ công truyền thống: dệt lụa Nha Xá, thêu ren Thanh Hà và làm trống Đọi Tam; Nghệ thuật trình diễn dân gian và Tập quán xã hội Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Hà Nam; Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa hát Dậm Quyển Sơn (huyện Kim Bảng).

Công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa truyền thống luôn được tỉnh Hà Nam xác định là nhiệm vụ cấp thiết của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Đó là nền tảng để Hà Nam "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước". Trong những năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam luôn tích cực tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác kiểm kê, xếp hạng, gìn giữ, phục dựng, truyền dạy, tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị những giá trị của di sản văn hoá gắn với khai thác các sản phẩm du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, các di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy ngành Du lịch phát triển bền vững; góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, văn hóa, con người Hà Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế…

 

Cùng với di sản văn hoá phi vật thể Múa hát Dậm Quyển Sơn, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo chỉ có ở làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Múa hát Dậm Quyển Sơn có những nét độc đáo riêng và đã được các nghệ nhân đem đi giới thiệu tại 16 quốc gia trên thế giới. Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Hát múa Lải Lèn và Hát Trống quân Liêm Thuận mang nhiều nét nghệ thuật trình diễn dân gian điển trưng của vùng đất Lý Nhân, Thanh Liêm. Múa hát Lải Lèn gắn với những nghi lễ tế Thành hoàng ở đình làng, hát múa diễn tả những nghi thức cung đình được thể hiện qua những làn điệu: có điệu diễn tả cảnh trận mạc xưa với các điệu bắn cung, cưỡi ngựa, múa kiếm; có điệu diễn tả cảnh tiễn biệt người đi, kẻ ở trong thời chiến tranh; có điệu diễn tả cảnh đoàn quân chiến thắng trở về; có điệu diễn tả cảnh mở hội khao quân…

Hát Trống quân Liêm Thuận được thể hiện qua nhạc cụ hết sức độc đáo, phù hợp với làn điệu, lời ca tự biên, tự diễn, mộc mạc, chân thành, giàu âm hưởng dân ca….những làn điệu hát Trống quân ở Liêm Thuận mượt mà, sâu lắng, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động...

Hát múa Lải Lèn

QĐ 3411 BVHTTDL 10-11-23 hát lải lèn.jpg

Quyết định công bố Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Múa hát Lải Lèn,

xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân

Xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có 3 làng Nội Đọ, Yên Trạch, Nội Chuối cùng thờ chung một vị Thành hoàng là vua Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục). Hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán 3 làng mở lễ hội để tưởng nhớ, tôn vinh Thành hoàng. Từ lâu đời đã được phân chia: Làng Nội Đọ bơi thuyền, làng Yên Trạch chạy ngựa, làng Nội Chuối múa hát Lải lèn như là nghi lễ nổi bật trong lễ hội mỗi làng. Múa hát Lải Lèn là một nghi thức diễn xướng đặc sắc, gắn liền với tín ngưỡng thờ vua Triệu Việt Vương, trình diễn lại quá trình đi đánh giặc cứu nước, an dân, mừng chiến thắng. Những làn điệu múa cổ hoà quyện với lời ca tạo nên một không gian linh thiêng, đặc sắc, có giá trị lịch sử - văn hoá và nghệ thuật không lẫn với bất kỳ di sản văn hoá nào trên đất nước Việt Nam, là đặc trưng, là dấu ấn lịch sử trên vùng đất Hà Nam trong chặng đường dựng và giữ nước của dân tộc.

Điệu múa Chúc rượu trong tích truyện Ba.jpg

Điệu múa “Chúc rượu" trong tích truyện Ba – Múa hát Lải Lèn

Múa hát Lải lèn chỉ được tổ chức khi làng Nội Chuối mở hội tôn vinh Thành hoàng Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục). Xưa kia, lễ hội của làng bắt đầu từ ngày mồng Một Tết kéo dài hết ngày mồng Ba Tết. Theo các cụ cao tuổi, múa hát Lải lèn có 32 làn điệu, mỗi làn điệu là một bài có nội dung riêng. Múa hát Lải lèn diễn ra suốt cả 3 ngày hội, song ngày mồng Ba các nàng Lải phải múa hát cả ngày tới 22 làn điệu. Đội hình múa hát Lải Lèn là 12 nàng Lải, những cô gái tân tuổi từ 15 đến 18, đôi mươi, răng đen hạt đậu, đầu quấn khăn nhung đỏ có thêu kim tuyến; trong đó 8 nàng mặc áo mã tiên bên ngoài, bên trong mặc dài đỏ, quần đen, 4 nàng còn lại mặc áo dài đỏ, quần đen, chân 12 nàng Lải đều quấn xà cạp trắng. Đạo cụ của các nàng Lải khi diễn xướng gồm 12 tấm khăn màu trắng, 12 cơi trầu, 12 thanh kiếm (tre hoặc gỗ), 12 cờ ngũ sắc nhỏ. Cùng với các nàng Lải còn có 8 chàng trai chưa vợ đóng vai hầu vua, mặc quần trắng, thắt lưng vải lụa kết hình hoa sen phía trước bụng, đứng hai bên (đội hình này không tham gia múa hát). Nội dung các làn điệu là diễn tả về chiến trận liên quan đến Triệu Quang Phục, mừng đón vua, nhưng cũng tái hiện cảnh tiễn biệt của trai gái làng giữa thời buổi chến tranh, ước nguyện cầu mong của người dân về một cuộc sống bình yên...

Nghệ nhân truyền dạy cách cầm cờ cách di chuyển trong các điệu múa hát Lải Lèn cho thể hệ trẻ.jpg

(Nghệ nhân truyền dạy cách cầm cờ, cách di chuyển trong các điệu múa hát Lải Lèn cho thể hệ trẻ)

Để gìn giữ và phát huy vốn dân ca nghi lễ rất có giá trị của địa phương, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam đã tích cực làm tốt công tác bảo tồn và vinh danh đối với những nghệ nhân hiếm hoi có công lưu giữ và truyền dạy về câu hát Lải Lèn. Do đó, ngày 13/11/2015, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2533/QĐ-CTN phong tặng Nghệ nhân ưu tú cho bà Nguyễn Thị Ngoãn, bà Lưu Thị Ngần - Nghệ nhân múa hát Lải Lèn. Di sản văn hoá Múa hát Lải Lèn được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là một bước đệm mới cho công tác vinh danh, gìn giữ và bảo tồn nhằm phát huy múa hát Lải lèn một cách tổng thể, toàn diện để di sản văn hoá này vươn tầm xa hơn nữa.

Múa hát Lải Lèn gắn với nghi lễ tế Thành hoàng ở đình làng, liên quan đến vua Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục). Theo Thần tích, thần sắc và một số văn tự cổ còn lưu lại tại địa phương xã Bắc Lý (Lý Nhân) hiện nay, cũng với lời kể của các cụ cao niên trong làng thì sau khi vua Triệu Việt Vương mất, người dân trong 3 làng cùng lập đền thờ, quanh năm hương khói. Múa hát Lải Lèn và nghi lễ dâng rượu đón mừng chính thức trở thành tục múa hát thờ thần, cùng với đó, tục chạy ngựa, bơi chải cũng trở thành tích trò diễn xướng nhằm tái hiện những cuộc chiến, những thắng lợi của vua tôi họ Triệu. Trải qua thời gian, sau khi có đình làng riêng rẽ cùng thờ chung Triệu Việt Vương, dân ba làng Nội Đọ, Yên Trạch, Nội Chuối đã đặt ra lệ phân định những nghi lễ mà mỗi làng phải đảm nhiệm cho chu đáo. Lâu dần, lệ phân định đó đã trở thành câu ca truyền tụng của dân cư khắp cả vùng: “Làng Đọ bơi thuyền, làng Yên chạy ngựa, làng Nội múa hát Lải Lèn". Trong những năm tới, bên cạnh công tác bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hoá phi vật thể, nhằm kết nối các di sản văn hoá phi vật thể như làng nghề, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn để phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể là những di tích, cụm di tích, điểm du lịch văn hoá tiêu biểu của vùng đất Hà Nam trở thành những sản phẩm thúc đẩy phát triển du lịch. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, tích cực tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng hồ sơ di sản văn hoá Lễ hội Chạy ngựa Yên Trạch, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân đệ trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hát Trống quân Liêm Thuận

QĐ 3408 BVHTTDL 10-11-23 hát trống quân.jpg

Quyết định công bố Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Hát Trống quân Liêm Thuận, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm

      “Ai về Liêm Thuận quê ta/Sông, Gừa, Lau, Chảy, Vải, Nga, Thị, Chằm/Xin mời quý khách dừng chân/Lắng nghe câu hát trống quân ngọt ngào". Ra đời khoảng hơn một nghìn năm trước, những làn điệu hát Trống quân ở Liêm Thuận (Thanh Liêm) sâu lắng, mượt mà chan chứa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa gắn với cuộc sống lao động giản dị đời thường... có thể nói đó là điệu hát độc đáo chứa đựng cả nền văn hiến của vùng chiêm trũng Hà Nam.

          Hát Trống quân Liêm Thuận là thể thức hát đúm, hát bè, hát giao duyên, hát đối...không gian tổ chức hát diễn ra trước cửa đình, cửa chùa...và hát cả trên thuyền. Điểm độc đáo, điển trưng và khác biệt giữa hát Trống quân với các loại hát đối đáp khác là ở chỗ, lối hát có sử dụng nhạc khí Trống quân, đặc biệt là loại trống thuyền.

Hát Trống quân đất thường được biểu diễn trước cửa đình, của chùa hoặc những nơi có không gian, bãi đất rộng rãi.jpg

Hát Trống quân đất thường được biểu diễn trước cửa đình, của chùa hoặc những nơi có không gian, bãi đất rộng rãi

Vùng đất Liêm Thuận, Thanh Liêm là rốn nước của Hà Nam, vì thế chỉ riêng vùng đất này còn lưu lại được trống thuyền. Âm thanh được phát ra từ sợ dây thừng truyền vào lòng vại sành, truyền tiếp vào lòng thuyền, rồi truyền vào đồng nước tạo lên âm thanh trầm ấm mà âm vang, ngân vọng giữa đồng nước mênh mông, đây chính là nét đặc trưng riêng của vùng đất chiêm trũng. Ngoài trống thuyền, Liêm Thuận còn có trống đất. Trống đất có hai loại là trống chìm và trống nổi. Về nguyên tắc trống nổi cũng giống như trống chìm, chỉ khác là người ta không đào hố mà lấy vò, vại sành làm thùng cộng hưởng. Khi diễn tấu, âm thanh được phát ra từ sự cộng hưởng của mặt trống và dây căng. Hát Trống quân là loại hình diễn xướng dân gian, ở đó làn điệu được kết hợp với lời ca được sáng tác ngầu hứng trong khi diễn xướng. Điều này đã tạo nên tiết tấu mở và sự ngâm ngợi tự do trong lối hát. Hát Trống quân bắt nguồn từ làn điệu dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ, mỗi câu hát là một câu ca dao lục bát, lối hát 2 âm một, hai âm đầu của câu lục và câu bát thì thêm chữ “thời" vào phía sau, còn hai âm tiếp theo thì thêm âm “í", và cứ thế 2 âm là một phách. Hát đến câu cuối cùng của âm bát, người ta thêm một phách nữa bằng 4 âm “í". Tiếng trống là nhịp phách, tiếng trống để đệm, nhưng với hát Trống quân tiếng trống đặc biệt hơn, đó là trống phải luồn theo âm và vần – đây chính là sự linh hoạt tuyệt vời mà chỉ có nghệ nhân dân gian mới làm được. Những câu hát Trống quân rất giản dị, mộc mạc, chân thành của người nông dân vùng chiêm trũng, từ cách mô tả cảnh làng quê thanh bình, đến những cảnh hàng ngày mò cua bắt ốc... gần gũi thân thương. Ngoài những bài ca dao dân ca quen thuộc, hát Trống quân còn thể hát ứng tác – dân gian gọi là “hát chọc", thể hát này có nghĩ là trong câu hát, họ lấy một sự vật, sự việc cụ thể để chọc tức khiến đối phương phải suy nghĩ hát đối lại khó hơn nhưng phải khiêu khích ngược trở lại. Đây cũng chính là một trong những yếu tố để hát Trống quân “sống" trong cộng đồng cho đến ngày hôm nay.

Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Hát trống quân Liêm Thuận dần mai một và chỉ còn ít người biết đến. Những năm gần đây, công tác gìn giữ và bảo tồn những làn điệu hát trống quân Liêm Thuận được các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Qua công tác rà soát, kiểm kê ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch của tỉnh đã kịp thời động viên, khích lệ và vinh danh những người gắn bó, tâm huyết, yêu điệu hát trống quân để trao truyền, truyền dạy những làn điệu cho các thế hệ trẻ. Để ghi nhận những cống hiến, đóng góp của các cá nhân tiêu biểu, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam đã xây dựng hồ sơ đề nghị xét tặng trình Hội đồng cấp Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Theo đó nghệ nhân dân gian Nguyễn Đình Lâu và học trò của Ông là Bà Phạm Thị Huệ vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2019 và năm 2022. Để tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị di sản đó, các Nghệ nhân của địa phương thành lập và hoạt động sôi nổi Câu lạc bộ Hát Trống quân Liêm Thuận, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo, truyền cảm hứng cho các cháu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông. Dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã tích cực, chủ động xây dựng các Chương trình, kế hoạch cụ thể, đề xuất với Uỷ ban nhân dân xã, Phòng Giáo dục của huyện, đưa di sản văn hoá phi vật thể vào trường học, để di sản văn hoá được gần gũi, thấm đẫm và ăn sâu vào tâm hồn, ý thức của trẻ nhỏ. Mặt khác, CLB còn thường xuyên luyện tập và tham gia biểu diễn trong những dịp lễ hội để phục vụ bà con trong làng, trong xã….nhằm quảng bá, giới thiệu di sản văn hoá độc đáo của địa phương...​