Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam tham gia Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III...

Tin tức - Sự kiện  
Hà Nam tham gia Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022
Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 được đánh giá là một đại cảnh văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tất cả những hoạt động như diễn tích, dân ca, dân vũ, ẩm thực, trang phục dân tộc, hoạt động thể chất… đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, khó quên.

Liên hoan với chủ đề: “Trường Sơn Tây Nguyên - Đoàn kết, bản sắc và phát triển" do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT&DL) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức từ ngày 16 đến ngày 19/3 tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, với sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ của 19 đoàn gồm: An Giang, Bắc Ninh, Đắc Nông, Đắc Lắc, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nam, Hải Dương, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Thành phố Hồ Chí Minh.

Liên hoan tổ chức nhằm mục đích bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực… của cộng đồng các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên và đại diện một số dân tộc anh em trên toàn quốc; đồng thời khẳng định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, đây cũng là hoạt động quảng bá thiết thực nhằm sớm đưa ngành du lịch nước nhà sớm phục hồi và phát triển trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Thông qua Liên hoan, các nghệ nhân, diễn viên, người dân có dịp gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu giá trị những di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, trang phục, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc ở các địa phương.

Liên hoan gồm các hoạt động: Thi trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn các loại hình dân ca, dân vũ, cồng chiêng Tây Nguyên, nhạc cụ dân tộc truyền thống; Trình diễn các tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội; Hội thi Trai tài - Gái đảm (nam thi bắn nỏ, kéo co, vật tay; nữ thi nấu ăn và trình bày 1 mâm cỗ cổ truyền) và các hoạt động dã ngoại trải nghiệm tại một số điểm du lịch của huyện Kon Plông.

Đoàn Hà Nam tham gia liên hoan với 3 nội dung và đã giành được những kết quả rất đáng tự hào. Tại phần thi trình diễn các loại hình dân ca, dân vũ, Hà Nam đã giành 1 giải A (tiết mục hát Văn “Cô bé thượng ngàn" do nghệ sĩ Kim Cúc, dàn nhạc, tốp ca nam nữ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh biểu diễn) 3 giải B (Tiết mục: Hát Dặm Quyển Sơn, dân ca Hà Nam: chèo quỳ, nếp mây (bỏ bộ) do tốp nam, nữ biểu diễn; Tiết mục hát giao duyên sông Móng, dân ca Hà Nam: Hát thầm do nghệ sĩ Ngọc Bích thể hiện; Tiết mục hát giao duyên, dân ca Hà Nam: Mời trầu, hát mời, hò đối do tốp nam bữ biểu diễn). Tham gia thi trình diễn trang phục dân tộc với trang phục áo the khăn xếp (nam) và áo tứ thân (nữ), đoàn Hà Nam được Ban tổ chức trao giải Nhì.Tạihội thi trai tài, gái đảm, với sự kết hợp hài hòa và khéo léo, các nghệ sĩ Hà Nam đã trổ tài thể hiện mâm cơm không những đẹp mắt mà còn đảm bảo sức khỏe, với những món ăn tuy dân dã nhưng ngon miệng, được coi là đặc sản của mảnh đất sông Châu, núi Đọi, đó là: Cá kho Nhân Hậu, hến sông Châu xào, cá sông Đáy nấu lá Nồm, chuối ngự Đại Hoàng… Với phần trình diễn ấn tượng, đoàn Hà Nam vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tặng Bằng khenđã có thành tích xuất sắc trong tham gia Liên hoan.

Hà Nam mong muốn qua Liên hoan giới thiệu để đông đảo mọi người biết đến mảnh đất nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội. Ngoài phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, du khách còn có cơ hội khám phá, thưởng thức, cảm nhận những món ẩm thực đặc sắc, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà từ nhiều đời nay, người dân Hà Nam luôn gìn giữ và phát huy như: trống đồng Ngọc Lũ, võ vật Liễu Đôi, sách đồng Cầu Không, múa hát Lải Lèn, hát Dặm Quyển Sơn, hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng. Trải qua hàng nghìn năm, các làn điệu dân ca Hà Nam luôn được lưu truyền và không ngừng phát triển, đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc trưng quen thuộc của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Đến với Liên hoan này, Hà Nam mong muốn góp phần tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để Hà Nam quảng bá tiềm năm du lịch của quê hương.​