Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đôi dòng cảm thức về mùa thu trong văn hóa Việt

Tin tức - Sự kiện  
Đôi dòng cảm thức về mùa thu trong văn hóa Việt

Miền Bắc nước ta một năm có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhưng bao đời nay người dân nơi đây luôn đề cao mùa Xuân và mùa Thu, nên mới có phương ngôn “Xuân Thu nhị kỳ".

          Xuân, Thu trước hết là hai mùa sản xuất hai vụ lúa, vụ lúa chiêm và vụ lúa mùa. Đồng thời theo hai vụ mùa này là hai kì lễ hội, hội Xuân và hội Thu. Mùa Xuân khởi đầu một năm, qua đông tàn, nắng ấm lên, cây cối đâm chồi, nảy lộc nên được coi là mùa sinh sôi, nảy nở. Lúc này người Việt Bắc bộ tiến hành việc cày bừa, rồi xuống đồng cấy lúa chiêm. Nhưng xa xưa, thuở còn trên nương ngàn, tổ tiên ta chỉ cấy có vụ lúa mùa, sản phẩm là hạt gạo nếp nương. Hình ảnh người đàn ông cởi trần đóng khố, người đàn bà mặc yếm váy, trên đầu có cắm bông lau, đang giã gạo chày đôi được khắc họa trên mặt trống đồng Đông Sơn cho thông tin là thời gian ấy đương độ mùa Thu. Mùa Thu hoa lau nở trắng khắp nương ngàn. Cuối Thu (tháng Mười) người Lạc Việt thu hoạch lúa mùa, rồi bắt tay vào việc chế biến thóc gạo. Nhịp chày giã gạo “thậm thình" hồi ấy đã hối thúc Thái tử Liêu Lang làm ra những tấm bánh dầy, bánh chưng dâng lên vua cha. Bánh dầy được chàng giải thích tượng trưng cho trời tròn, bánh chưng tượng trưng cho đất vuông (“Trời tròn, đất vuông"). Như vậy bánh dầy và bánh chưng ban đầu là sản phẩm được chế biến từ hạt gạo nếp nương vụ mùa, thu hoạch vào cuối mùa Thu. Nói cách khác, bánh dầy và bánh chưng là sản vật của mùa Thu. Thu hoạch vụ mùa xong, người Việt cổ ca hát, nhảy múa mừng cơm mới (hội mừng cơm mới). Sau này, người Việt ăn tết giống người Trung Quốc nên đã đưa tấm bánh chưng từ hội mùa Thu sang tết Xuân – tết Nguyên đán.

          Cũng như mùa Xuân, mùa Thu còn là mùa cưới hỏi, bởi tiết Xuân ấm áp, tiết Thu mát mẻ. Nhưng theo chúng tôi, việc cưới hỏi trước hết là “sản phẩm" từ cuộc sống cư dân lúa gạo, theo hai vụ chiêm, mùa:

                                                       “Ông Giăng mà lấy bà Giời

                                             Tháng Năm thì cưới, tháng Mười rước dâu"

                                                                                                       (Ca dao)

          Theo truyền thuyết Sơn tinh, Thủy tinh: Vua Hùng thách cưới con gái Mị Nương: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" nên việc sắm lễ hỏi thuận cho Sơn tinh, nghịch với Thủy tinh. Vì thế Thủy tinh nổi giận, dâng cao con nước đánh Sơn tinh. Vậy thì lễ ăn hỏi này diễn ra vào mùa Thu (mùa con nước lên dòng). Mùa Thu là mùa cưới hỏi chắc chắn có gốc rễ như vậy.

          Người Việt không chỉ mùa Xuân mới tầm hoa (tìm hoa - ý nói người con trai đi tìm người yêu), mà vào Thu nhịp sống này cũng không kém phần sôi động:

                                                “Tháng Tám tôi đi chơi Xuân

                                           Thấy đây mở hội Trống quân tôi vào"

          Trong đêm Trung thu trăng sáng, trai gái hát giao duyên, hát đúm - hát Trống quân rồi “phải lòng" nhau, và tất nhiên sau đó là lễ hỏi, lễ cưới:

                                              “Bao giờ thì em lấy chồng

                                         Để anh mua cốm, mùa hồng sang chơi"

                                                 (Lời hát Trống quân ở Hà Nam).

          Xuống vùng châu thổ khai khẩn đồng ruộng trồng cây lúa nước, theo quá trình “tẻ hóa" hạt gạo, người Việt có thêm một vụ lúa nữa, là vụ chiêm. Gạo tẻ từ đây là lương thực chính, bởi cây lúa tẻ được trồng trên diện rộng, cho sản lượng cao, đáp ứng nhu cầu số dân ngày một tăng. Vụ chiêm còn trồng được nếp chiêm.Tuy nếp chiêm cho sản lượng cao nhưng không thơm ngon bằng nếp mùa. Nếu mất mùa ở vụ chiêm thì đói kém thường xảy ra vào tháng Bảy, tháng Tám, nên người Việt Bắc bộ phải dành dụm lương thực trong năm để phòng khi “thất bát" (ý nói tháng Bảy, tháng Tám).

          Không chỉ có gạo vụ chiêm, mà ngay từ mùa Xuân, qua mùa Hạ, người Việt Bắc bộ xưa kia đã dành dụm cho mùa Thu nhiều thứ: Các thứ hạt như hạt lạc, hạt đậu (đỗ xanh, đỗ đen, đỗ đỏ), hạt sen, hạt vừng, đường, mật, thịt lợn… Vậy nên trên mâm cỗ tết Trung thu mới có các thứ bánh: bánh nướng, bánh dẻo (ngoài bọc bột gạo nếp ngào đường, mật; trong có đỗ lạc, đỗ xanh, thịt lợn làm nhân). Tấm bánh dẻo là biểu tượng mặt trăng rằm tháng Tám sáng trong vằng vặc.

Tết Trung thu của người Việt có nguồn gốc từ tết Trông trăng. Người Việt  trông trăng đêm Rằm để đoán định mùa vụ tới : “Muốn ăn lúa tháng Năm/ Trông trăng rằm tháng Tám", “Trăng trong được lúa mùa/ Trăng đục mờ được lúa chiêm"… Nhưng vì ý thức dành dụm cho ngày mai nên tết Trông trăng đã trở thành tết Trung thu dành cho con trẻ. Dưới trăng rằm tháng Tám, trẻ em được thỏa thích vui chơi, hoan hỉ hát bài đồng dao: “Ông Giẳng, ông Giăng/ Xuống chơi với tôi/ Có bầu có bạn / Có ván cơm xôi/ Có nồi cơm nếp / Có đệp bánh chưng/ Có lưng hũ mật…".

          Nếu mùa Xuân là mùa của hoa thì mùa Thu lại là mùa của quả (“đơm hoa, kết quả" (đồng bào miền Nam gọi quả là trái - trái cây). Kỳ lạ thay ở miền Bắc, khi những ngọn gió heo may về thì đường từ đất hút lên thân mía, mía ngọt hơn; nắng Thu làm chín trái bưởi (“Nắng tháng Tám rám trái bưởi"), bưởi ngọt thanh và mát. Đặc biệt khi gió heo may cùng nắng Thu thấm vào chuối tiêu, vỏ quả chuối điểm hạt màu lấm tấm (nên gọi là chuối tiêu trứng cuốc), chuối ngọt lừ, thơm lừng; thấm vào quả hồng, hồng mọng đỏ màu da, ngọt mát. Những thứ quả này cùng với các thứ bánh kể trên được xếp đầy đặn trên mâm cỗ Trung thu, vì vậy người Việt gọi là bánh trái (bánh và trái cây). Trên mâm cỗ Trung thu còn một thứ nữa, là cốm nếp. Lúc này hạt nếp mùa trên bông lúa đương độ non nhưng nhiều nơi ở miền Bắc đã tỉa sớm đem về giã làm cốm. Cốm nếp non bùi ngọt, thơm ngát, ăn kèm chuối tiêu trứng cuốc thì mùi vị càng đặc biệt,  quyến rũ. Thơm ngon nức tiếng trước nhất phải nói đến cốm nếp làng Vòng (Hà Nội). Thu về, hương cốm thơm tho nhiều con phố Hà Nội, “thơm cả những bước chân qua".

Ngay từ xa xưa, người Việt đã lấy mùa Thu để ghi dấu, nhắc nhớ, ước lượng thời gian. Khái niệm “thiên thu" nghĩa đen chỉ một nghìn năm (“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" - một ngày trong tù bằng một nghìn năm bên ngoài, “Nhật ký trong tù" - Nguyễn Ái Quốc); nghĩa mở rộng chỉ thời gian vô định: “Giấc ngủ thiên thu" (dùng chỉ người thiên cổ, vì người đương sống không ai ngủ được như vậy) - “An giấc ngàn thu". Vì nghìn thu chỉ một nghìn năm nên một mùa Thu cũng dùng để chỉ một năm: “Ba thu gánh vác sơn hà" (“Diễn ca lịch sử Việt Nam") chỉ ba năm Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống nhà Đông Hán; “Ba thu dồn lại một ngày dài ghê" trong “Truyện Kiều" Nguyễn Du dùng chỉ thời gian ba năm Thúy Kiều chờ đợi Kim Trọng về chịu tang chú ruột.

Mùa Thu có lá vàng rơi nên người Việt cảm thức mùa Thu trong hoài niệm  quá khứ. Nhưng dẫu vui hay man mác, đượm buồn thì mùa Thu vẫn luôn mãi là vẻ đẹp làm xao xuyến tâm hồn Việt. Trong đìu hiu ngọn gió, mùa Thu đi vào lời ru: “Gió mùa Thu mẹ ru con ngủ / Năm canh chầy mẹ thức đủ vừa năm" (hát ru Nam Trung Bộ). Mùa Thu “Long lanh đáy nước in trời / Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng" ảo thực trong thơ Thi hào Nguyễn Du. Mùa Thu hiển hiện tuyệt diệu qua ba bài thơ Thu của Thi hào Nguyễn Khuyến. Sinh thời Nhà thơ Xuân Diệu nhận xét tinh tế: thơ Thu của Nguyễn Khuyến đặc tả làng cảnh vùng Đồng bằng Bắc bộ. Rồi mùa thu Hà Nội quyến rũ hồn người những nét riêng trong tranh Bùi Xuân Phái. Mùa Thu đã, đang và mãi có trong thơ, trong nhạc, trong hội họa của nhiều nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ nước Việt.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đọng trong tâm hồn người Việt Nam một Mùa Thu Cách Mạng rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Và Quốc khánh 2/9 ngay những năm sau 1945 còn được gọi là Tết Độc lập; và mãi tận mai sau đã thêm vào trong đời sống người Việt Nam một tết nữa thiêng liêng trong một năm.

Năm 1997, tỉnh Hà Nam vừa được thành lập lại, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng có về thăm quê nội (Hà Nam) đã tâm sự (đại ý): “Hồn Nước phải chăng là lá cờ đỏ sao vàng quấn quýt lấy trống đồng Đông Sơn". Nghĩ về câu nói của Giáo sư, tôi nhớ tới mùa Thu.     ​


Bản tin VHTTDL Hà Nam