Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học điều tra, khảo sát hệ thống các di tích

Tin tức - Sự kiện  
Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học điều tra, khảo sát hệ thống các di tích

Tháng 7 năm 2021, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành điều tra, khảo sát hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhằm phát hiện, nghiên cứu những địa điểm khảo cổ, di tích, dấu tích và di vật để tìm hiểu, góp phần bồi đắp thêm truyền thống lịch sử - văn hóa Hà Nam trong từng thời kỳ lịch sử hình thành và phát triển của đất nước.

Thời gian thực hiện không dài, địa bàn rộng với nhiều địa hình, nhiều loại hình di tích, do vậy Đoàn mới chỉ tiến hành trên một số di tích tiêu biểu, đại diện cho mỗi loại hình và mỗi thời kỳ. Địa bàn đầu tiên Đoàn tiến hành khảo sát là huyện Kim Bảng với một số điểm di tích: Quần thể di tích Bát cảnh sơn; Khu di tích Lạt Sơn gắn với nữ tướng Lê Chân; Quần thể di tích chùa Tam Chúc,...

 Quần thể di tích và danh thắng Bát cảnh sơn

Quần thể di tích và danh thắng Bát cảnh sơn xưa kia có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ đại thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành. Hiện nay, trong tổng số 8 di tích mà Đoàn đi khảo sát thì có 4 di tích không còn hiện hữu, chỉ còn lại 4 di tích, tuy nhiên trong đó, hiện chỉ có chùa Tam Giáo và chùa Ông là đã được trùng tu xây dựng khá kiên cố, khang trang và giữ lại được một số di vật như  thần phả, sắc phong thời Khải Định, các đồ thờ tự như: hoành phi, đại tự, câu đối, bát hương bằng đá, bằng đồng, 2 pho tượng: 1 bằng gỗ, 1 bằng đồng. Còn lại chùa Kiêu và chùa Vân Mộng chỉ là các phế tích và mái đá. Trên đường dẫn lên chùa Kiêu, ở khoảng giữa, phía bên tay phải có 2 bia được khắc vào vách núi, loại bia này gọi là bia “ma nhai". Trong đó, bia phía trước nằm cách lối đi khoảng 4m, bia thứ 2 nằm ngay sát lối lên (kích thước: cao 135cm, rộng 76,5cm), cả 2 bia đều không ghi niên đại tuyệt đối. Tuy nhiên, căn cứ vào mỹ thuật thì có thể thấy cả 2 bia đều có cùng phong cách trang trí và cùng niên đại ở khoảng thế kỷ 17 - 18, thời Lê Trung Hưng. Toàn bộ di tích hiện nay không còn tồn tại tuy nhiên vẫn còn một số di vật bằng đá là các cấu kiện của kiến trúc, bao gồm: các tảng đá kè thành bậc, chân tảng đá kê cột có nhiều kích thước khác nhau. Ngoài ra, trên bề mặt khoảng sân rộng phía trước mái đá, còn rất nhiều các loại hình di vật khác như: gạch, ngói có niên đại kéo dài liên tục khoảng từ thế kỷ 13 - 14 đến thế kỷ 18, tức là từ thời Trần đến thời Lê Trung Hưng.

 Điều đáng mừng là ngôi chùa nằm trên đỉnh núi cao, do vậy ít chịu tác động của con người, vì thế tiềm năng di tích dưới lòng đất còn nguyên vẹn. Tiến hành khai quật khảo cổ học tại khu vực này, có thể nhận diện được toàn bộ quy mô và cấu trúc của di tích như vốn đã từng tồn tại trong lịch sử.

Có vị trí xa nhất trong hệ thống chùa/đền trong khu di tích Bát cảnh sơn. Từ chùa Kiêu, đi bộ, men theo chân dãy núi Tượng Lĩnh, vượt qua các mỏm núi đá tai mèo lởm chởm, khoảng 3km là đến khu vực chùa Vân Mộng. Chùa Vân Mộng nằm chênh vênh trên sườn núi, cảnh sắc u tịch, quyện cùng khói mây huyền ảo, xung quanh có rất nhiều hang động lớn nhỏ kỳ thù, bí ẩn.  Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng từ thời Lý, gắn với Thiền sư Minh Không. Ngoài cùng của khuôn viên chùa là bờ kè cấp nền bằng đá, xen trong các lớp đá có một số mảnh ngói thời Trần, cho thấy, khả năng người ta đã tận dụng vật liệu xây dựng thời Trần vào việc xây dựng bờ kè, hoặc cũng có thể bờ kè có từ trước đó, đến thời Trần được sửa chữa, cải tạo lại.. Toàn bộ hệ thống thờ tự của chùa hiện đều nằm dưới mái đá rộng khoảng 23m2, chiều rộng là 4,15m, chiều dài là 5,5m, trần hang cao 3m tính từ nền hiện tại. Phía bên ngoài, trên vách đá phía Tây Bắc có 1 tấm bia “ma nhai". Trên toàn bộ khuôn viên di tích, đều tìm thấy các di vật thuộc loại hình vật liệu kiến trúc, gồm: các thanh đá, chân tảng kê cột, các mảnh gạch, ngói, bát... Ngói là loại hình vật liệu có số lượng nhiều nhất, nhưng phần lớn đều đã bị vỡ. Loại hình hiện vật này có niên đại kéo dài liên tục từ thời Trần đến thời Nguyễn. Hiện vật còn nguyên vẹn nhất của loại hình này thu được có kích thước: dài 34,4cm, rộng 23,5cm, dày từ 2,9cm đến 3,3cm, niên đại thuộc thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII - XVIII.

Khảo sát, nhận diện các di tích và di vật thì có thể khẳng định, ngôi chùa này được xây dựng từ thời Lý, vua Lý Thần Tông, gắn liền với Thiền sư Minh Không, sau đó các thời sau tiếp tục tôn tạo và sử dụng liên tục cho đến thời Nguyễn. Dấu tích hiện trạng cho thấy, ngôi chùa cũ đã không còn tồn tại, nhưng chắc chắn qua các di tích và di vật trên bề mặt thì có thể khẳng định, toàn bộ lịch sử của chùa Vân Mộng đang nằm sâu dưới các lớp đất đá.  Theo hiện trạng, chùa Vân Mộng có quy mô rộng lớn nhất trong số các ngôi chùa hiện còn thuộc Quần thể di tích danh thắng Bát cảnh sơn. Vị trí của chùa lại nằm sâu nhất trong dải núi của hệ thống di tích, các dấu tích vật chất còn lại rất đầy đủ với nhiều loại hình, hệ thống bia ký cho thấy trong lịch sử, đây là trung tâm tu hành của các thiền sư, nơi đào tạo tăng đồ.

Quần thể di tích và danh thắng thờ nữ tướng Lê Chân

Quần thể di tích danh thắng căn cứ Lạt Sơn hiện nay về cơ bản nằm trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng. Từ địa điểm đầu tiên là đền Lê Chân vào đến khu vực Giát Dâu ở phía Tây, nơi chứng kiến sự hy sinh của Bà, dài khoảng 7km, qua khảo sát thực địa, vẫn còn tồn tại các tên địa danh gắn liền với công cuộc xây dựng và chiến đấu tại đây của Nữ tướng Lê Chân và nghĩa quân đồng thời cũng là nơi an nghỉ của một trong những nữ tướng có tài thao lược, tâm phúc của Hai Bà Trưng.

Quần thể di tích danh thắng này rất rộng lớn, có nhiều địa điểm liên quan như: Đền Thánh Chân, Đồi Am, Giát Dâu, thung Bể, dốc voi trượt, thung Đồng Loạn, hang Hội quân....Qua điền dã, khảo sát thì chùa Thánh Chân là nơi mà các tài liệu còn nhiều nhất, gồm: tài liệu khảo cổ học, bia ký và truyền thuyết.

Theo truyền thuyết, sau khi bà Lê Chân gieo mình tuẫn tiết, các tướng lĩnh dưới quyền đã đưa thi hài bà an táng trong một hang động bí mật, sự kiện này dẫu chưa được kiểm chứng, nhưng lại trùng khớp với địa hình của chùa Thánh Chân. Nguyên, ở lưng chừng núi đá, sau lưng chùa Thánh Chân, có một hang/mái đá, trong đó được bài trí tượng thờ rất nguy nga, cửa hang mới bị sập kín lối vào trong vài năm gần đây.

Dấu tích chùa Thánh Chântức Thánh Lê Chân ở Thung Bể phân bố trong phạm vi rộng khoảng 3000m2 mà các dấu tích vật chất, bia ký còn nguyên vẹn đã cho thấy, đây chính là trung tâm của căn cứ Lạt Sơn xứng đáng được quan tâm khai quật, nghiên cứu khảo cổ nhằm làm rõ lịch sử xây dựng và tồn tại qua các thời kỳ, qua đó đóng góp tư liệu quan trọng, chân xác vào việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của Nữ tướng Lê Chân với căn cứ Lạt Sơn nói riêng và với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nói chung

Tại huyện Thanh Liêm

 Đoàn đã tiến hành khảo sát các di tích hang động: hang Chuông, hang Gióng Lở, chùa Địa Tạng Phi Lai, khu vực núi Khê Non...

Hang Chuông: Trước đây đã tiến hành khảo sát và thu được một số hiện vật mang những nét đặc trưng của văn hóa Hòa Bình, cách ngày nay trên 10.000 năm, hiện nay Hang Chuông thuộc phần đất của Công ty Thành Thắng, doanh nghiệp khai thác đá. Cửa hang quay về hướng Đông - Nam, kích thước trong lòng như sau: 11,2mx11,8m; cửa hang rộng 4,89m, nền hang được láng ximăng, từ nền đến trần hang cao 23,4m, xung quanh vách hang còn các mảng vỏ ốc bám chặt. Căn cứ trên vách hang, từ vị trí có vỏ ốc xuống đến nền hang được phân thành 2 lớp, theo trật tự từ trên xuống dưới: Lớp trên là lớp vỏ ốc, dày 6,0m và lớp dưới là lớp vỏ ốc lẫn với đá và công cụ, dày 5,2m.

Đây là 2 lớp thuộc tầng văn hóa của hang, đã không còn nguyên vẹn do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, có thể là do con người đã đào bỏ ra ngoài, nhưng theo người quản lý của Công ty khẳng định, từ khi tiếp nhận đến nay, chưa hề đưa ra khỏi hang bất cứ thứ gì? Thứ hai, hiện tượng này có thể do sụt caster, tức là toàn bộ tầng văn hóa đã bị sụt xuống phía dưới, do có thể ở đáy hang có một dòng chảy hoặc nguồn nước cổ, nếu như vậy thì khả năng nghiên cứu là rất lớn. Qua khảo sát và theo dấu tích còn lại, thì đây được đánh giá là di tích hang động có tầng văn hóa dày nhất trong số các hang động thuộc văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam, lớn hơn cả hang Con Moong nằm trong Quần thể di tích và danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận và có thể đứng thứ 2 ở Đông Nam Á. Cũng qua đó, có thể hang Chuông giữ vai trò là trung tâm của một cụm hang động có cư dân sinh sống. Tóm lại, là một di tích có quy mô lớn, tầng văn hóa rất dày, mặc dù chưa được khai quật nhưng có thể khẳng định địa điểm hang Chuông sẽ mang trong mình đầy đủ những đặc trưng tiêu biểu nhất của văn hóa Hoà Bình.

Chùa Địa Tạng Phi Lai: Chùa Địa Tạng Phi Lai nằm ở vị trí chân phía Đông của núi Đùng, thuộc dải núi Khê Non, có 3 khe suối chảy từ trên đỉnh núi xuống khu vực chùa.Trong 3 khe suối, khe số 1 không phát hiện được dấu tích vật chất (di tích và di vật), mà chủ yếu phát hiện tập trung khu vực của khe suối thứ 2 và 3. Mở rộng điều tra, khảo sát ra bên ngoài khu vực khe suối số 2 và 3, tức là tính từ suối ra bán kính rộng khoảng 50m đến 100m đã phát hiện được một số vị trí có nền móng của công trình kiến trúc. Trong quá trình phát quang, cải tạo không gian cảnh quan ở núi phía Nam, đã phát lộ được di tích nền móng tháp thời Trần, ở vị trí tọa độ 20°26'33.54" vĩ độ Bắc và 105°57'6.26" kinh độ Đông. Theo hiện trạng, nền móng tháp được xây dựng trên nền đá gốc của núi, vị trí này, đá gốc được san bạt khá bằng phẳng, đá dăm được dải đều.Trong khu vực chùa hiện nay, toàn bộ di vật phát hiện được tại khu vực chùa và các khe suối trong quá trình cải tạo, sửa chữa cảnh quan đã được Sư trụ trì lưu giữ, bảo quản rất cẩn thận, được phân loại sơ bộ và trưng bày trên giá, điều đó cho thấy nhà chùa đã rất trân trọng gìn giữ những di vật của khu vực này. Toàn bộ sưu tập có có số lượng lớn, với nhiều loại hình di vật phong phú : vật liệu xây dựng (gạch, ngói, mảnh tháp, mô hình tháp,...), đồ dùng sinh hoạt (bát, đĩa, bình vôi, lọ hoa,...) có niên đại từ thời Trần (thế kỷ 13) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19), nhưng đậm đặc nhất, chiếm số lượng nhiều nhất là hệ thống các di vật của thời Trần (thế kỷ 13-14). Với các đặc điểm về niên đại, bộ sưu tập này có giá trị và ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần vào việc nghiên cứu mảnh đất Hà Nam thời Trần, đặc biệt có giá trị trong việc trưng bày, tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất Hà Nam.

Từ các phát hiện về di tích và di tích khu vực chùa Địa Tạng Phi Lai, Đoàn khảo sát đã tiến hành mở rộng phạm vi ra toàn bộ khu vực dải núi nhằm tìm kiếm thêm các dấu tích góp phần tìm hiểu giá trị chung và tầm quan trọng của núi Khê Non trong lịch sử.

Hiện trạng các di tích khu vực núi Khê Non cho thấy, ngoại trừ chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Tiên, chùa Cây Thị được quan tâm trùng tu để trở thành nơi thu hút các thiện nam tín nữ đến tu tập, chiêm bái, còn lại hầu hết các di tích đã bị phá hủy, dấu tích hiện còn chỉ là phần nền móng hoặc các di vật là vật liệu xây dựng công trình như gạch, ngói, chân tảng đá kê cột được ghi nhận trên mặt đất hoặc được nhân dân phát hiện trong quá trình sinh hoạt, trong đó, đặc biệt là chùa Bảo Lâm. Khu vực dấu tích chùa Bảo Lâm cho thấy, đây là một ngôi chùa có quy mô rất lớn trong lịch sử, có thể tương đương hoặc lớn hơn so với chùa Địa Tạng Phi Lai. Do vậy, tiến hành khai quật khảo cổ ở khu vực chùa Bảo Lâm sẽ cung cấp nguồn tư liệu giúp cho việc đánh giá giá trị và vị trí vai trò của dải núi Khê Non nói chung và di tích chùa Bảo Lâm nói riêng trong tiến trình lịch sử của vùng đất, để cùng với các phát hiện ở chùa Địa Tạng Phi Lai sẽ đóng góp vào việc tìm hiểu Phật Giáo Trúc Lâm trên mảnh đất Hà Nam.

Tại huyện Bình Lục

 Đoàn đã tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát các di tích tiêu biểu: núi An Lão, chùa Trùng Quang, điền trang thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ, Phủ Vũ.

Núi An Lão: Chùa Cao hay chùa Khánh Long được xây dựng ở gần đỉnh núi An Lão (hay còn gọi là núi Nguyệt Hằng), quy mô nhỏ, kết cấu bêtông, chính ở gian giữa là mái đá tự nhiên.Mở rộng khảo sát trên đỉnh núi An Lão cho thấy: đỉnh núi rất bằng phẳng, rộng khoảng 1000m2, trên bề mặt có nhiều di vật vật liệu xây dựng là các mảnh gạch, ngói thuộc nhiều niên đại khác nhau. Từ trên đỉnh núi, hướng Tây, hình thế núi thấp thoải dần theo các cấp bậc, mỗi cấp bậc lại có khoảng đất rộng. Điều kiện địa hình như vậy rất thích hợp cho viêc xây dựng các công trình kiến trúc. Trên đường dẫn lên chùa phía bên tay trái, tức là phía Nam của núi An Lão, có 1 vệt ken dày các mảnh ngói lợp mái kiến trúc, trong đó có 1 mảnh ngói dương của thời Trần, màu đỏ, mặt dưới có nhiều tia sét màu trắng, kích thước tổng thể: dài 17,5cm, rộng 10,5cm, xương gốm dày trung bình từ 1,3cm đến 1,7cm.  Rà soát, xem xét kỹ trên khu vực núi An Lão, đã phát hiện được một số di vật đáng chú ý như gạch chữ nhật: màu đỏ, bị nứt, bề mặt láng mịn, có nhiều tia sét mà trắng hoặc trắng xám, không có hoa văn trang trí. Kích thước: dài 34cm, rộng 16,4cm, dày 5,0cm. Niên đại thuộc thời Lý

Qua khảo sát định hình tổng thể và các di vật phát hiện được, thì có thể trên đỉnh núi An Lão, vào thời Lý, có di tích kiến trúc được xây dựng. Đó có thể là một di tích chùa - tháp như dạng thức phổ biến của chùa tháp thời Lý. Để khẳng định, chỉ có thể trông chờ vào kết quả khai quật khảo cổ học trong thời gian tới.

Sau thời gian triển khai, kết quả điều tra, khảo sát khảo cổ tiến hành trên địa bàn của 4 huyện (với 28 địa điểm di tích được khảo sát): Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân và 1 thị xã (Thị xã Duy Tiên) đã thu được kết quả rất lớn, đóng góp thêm các nguồn tư liệu và nhận định mới trong việc xem xét, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa và trữ lượng, tiềm năng trong lòng đất của các di tích, nhiều di vật được phát hiện bổ sung thêm vào bộ sưu tập phục vụ công tác trưng bày.

Cuộc điền dã, điều tra, khảo sát chưa thể tiến hành trên toàn bộ các địa điểm di tích nhưng là điểm mở đầu cho công việc điều tra, khảo sát khảo cổ tổng thể, từ đó cung cấp tư liệu cho nghiên cứu, bảo tồn và lập quy hoạch khoanh vùng bảo vệ các di tích.​


Bản tin VHTTDL Hà Nam