Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội của Hà Nam sau 20 năm tái lập tỉnh

Tin tức - Sự kiện Bài tổng hợp  
Thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội của Hà Nam sau 20 năm tái lập tỉnh

 Sau 32 năm hợp nhất với tỉnh Nam Định và Ninh Bình, ngày 01/01/1997 tỉnh  Hà Nam được tái lập. Bước vào xây dựng tỉnh mới tái lập, Hà Nam có được một số thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên song cũng gặp không ít khó khăn của một tỉnh thuần nông: địa bàn vùng chiêm trũng phụ thuộc nhiều vào các công trình thủy lợi; công nghiệp lạc hậu,  nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ chưa tìm được hướng đi; thương mại, xuất khẩu, du lịch dịch vụ chưa phát triển, thương nghiệp quốc doanh ngày càng thu hẹp, chiếm 21% tổng mức bán lẻ xã hội, không điều tiết chi phối được thị trường; xuất khẩu hàng hóa manh mún mang tính chất thu gom, không có mặt hàng mũi nhọn; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng, các công trình dân sinh như điện, nước, đường giao thông và các công trình phúc lợi hầu như không đáng kể; nguồn thu ngân sách rất hạn hẹp, chưa có nguồn thu chủ lực; trang thiết bị phục vụ sự nghiệp y tế, giáo dục thiếu thốn; lực lượng cán bộ vừa thiếu về số lượng vừa mất cân đối về cơ cấu...

Nỗ lực khắc phục khó khăn, kế thừa và phát huy thành quả, khơi dậy truyền thống cách mạng, niềm tự hào quê hương, ý thức trách nhiệm trước yêu cầu phát triển... Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ,  tìm quyết sách lãnh đạo, đưa tỉnh phát triển qua các giai đoạn:

1. Giai đoạn 1997- 2007: Khôi phục và tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 10 năm đầu, Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã đề ra tư tưởng chỉ đạo: Huy động mọi nguồn lực của địa phương kết hợp với hỗ trợ của Trung ương, khắc phục khó khăn dồn sức tập trung ổn định bộ máy cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.  Ngày 12/01/1997, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh... Sau 1 năm làm việc theo tỉnh mới, với tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã giành nhiều kết quả khả quan. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV năm 1998 đã thảo luận và thống nhất đề ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 là: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tích cực thu hút đầu tư các nguồn liên doanh, liên kết, hợp tác trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội... phấn đấu đưa Hà Nam thành tỉnh giàu mạnh, văn minh. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tổng sản phẩm GDP bình quân hàng năm tăng 9,1%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ 18,8% năm 1997, lên 28,5% năm 2000; giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 49,6% năm 1997, xuống 41,5% năm 2000. Các mặt hoạt động khác đều có bước phát triển mới góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Tỷ lệ hộ giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo từ 15,4% năm 1997 giảm xuống còn dưới 10% năm 2000, cơ bản không còn hộ đói.

Phát huy những kết quả đạt được, sau 10 năm tái lập tỉnh, Hà Nam đã thực sự đi lên từ những khó khăn, thử thách của một tỉnh thuần nông, công nghiệp địa phương nhỏ bé, kết cấu hạ tầng nông thôn nghèo nàn... Hà Nam đã nhanh chóng vượt qua chặng đường khó khăn, tranh thủ sự lãnh đạo của Trung ương, nắm bắt thời cơ, phát huy thế mạnh, khai thác các nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế xã hội. Nhờ vậy Hà Nam vươn lên thành một tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá, với mức tăng bình quân đạt 9,05%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; công nghiệp - xây dựng: 39,66%; nông - lâm nghiệp - thủy sản: 28,41%; dịch vụ: 31,93%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, ngày càng có nhiều hộ dân thu nhập 50 triệu đồng /năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ chỉ còn 7%, trong đó 100% được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Sau 10 năm tái lập, Hà Nam là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và Đảng bộ ngày càng nâng cao, lực lượng đảng viên ngày càng lớn mạnh. Khi tái lập đảng bộ tỉnh Hà Nam có 33.988 đảng viên, sau 10 năm toàn đảng bộ đã vượt qua con số 40.000 đảng viên. Tuyệt đại đa số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo thành lực lượng hùng hậu giúp Đảng bộ tỉnh giữ vai trò lãnh đạo toàn diện trong tỉnh.

 Sau 10 năm tái lập,  Hà Nam đã có bước chuyển biến rất lớn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, an ninh - quốc phòng giữ vững, hệ thống chính trị vững mạnh. Bộ mặt đô thị và nông thôn thực sự thay đổi. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tạo động lực và nền móng vững chắc để Hà Nam vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới.

2. Giai đoạn 2007 - 2017: Giai đoạn phát triển bứt phá, đổi mới và hội nhập

Cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành 10 nghị quyết chuyên đề cùng với các chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Các nghị quyết và chương trình hành động đều mang tính toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và con người, thể hiện tư tưởng chỉ đạo phát triển bứt phá, đổi mới và hội nhập của Hà Nam trong giai đoạn phát triển mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

Ngày 09/6/2008, thành phố Phủ Lý được thành lập. Ngày 23/7/2013 một số xã và nhân khẩu của các huyện Duy Tiên, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng được sáp nhập vào thành phố Phủ Lý. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Thành phố Phủ Lý có 8.787,30 ha diện tích tự nhiên, 136.654 nhân khẩu và 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 phường và 10 xã, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp, bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp hơn, đời sống của người dân được nâng lên. Đến năm 2013, tỉnh Hà Nam có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, gồm thành phố Phủ Lý thuộc tỉnh và 5 huyện, 116 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 98 xã, 11 phường và 7 thị trấn.

Sau 10 năm bứt phá, đến hết tháng 9 năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 16.352,8 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người của tỉnh đã đạt 33,6 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 3.329,18 tỷ đồng đạt 97% dự toán Trung ương giao, 79% vượt dự toán của địa phương; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 865,5 triệu USD, bằng 69,2% kế hoạch năm, tăng 17,5% so với năm 2015. Công nghiệp và dịch vụ trở thành nền kinh tế chủ đạo giúp chuyển dịch lao động nông nghiệp; chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của Hà Nam xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 26 bậc so với năm 2012. Chủ trương đổi mới và đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung xúc tiến đầu tư song phương, chủ động thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, doanh nghiệp lớn trong nước, tạo động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2011 đến 2015 đã thu hút được 211 dự án đầu tư (108 dự án trong nước, 103 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn đạt 23.532 tỷ đồng; Năm 2014 đứng trong tóp 10 và 2015 đứng trong top 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; trong năm 2011- 2015, phát triển mới 1.572 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 14.642 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đến năm 2015 là 3.673 doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm 2016, có 334 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.437,2 tỷ đồng. Hiện tại Hà Nam có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động là Đồng Văn I, II, III, Châu Sơn và Hòa Mạc, đã quy hoạch chuẩn bị đầu tư hạ tầng: Khu công nghiệp Đồng Văn IV, Thái Hà, Thanh Liêm, hết năm 2015 đã lấp đầy 80% diện tích các khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển, chuẩn bị tốt các điều kiện tạo tiền đề đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao; mạng lưới dịch vụ thương mại được mở rộng cả về loại hình và thị trường tiêu thụ. Một số trung tâm thương mại được hình thành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 5 năm đạt 54.715 tỷ đồng, tăng bình quân 20%/năm, gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Các hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông, điện, cấp nước sạch có mức tăng trưởng khá, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Chú trọng đầu tư phát triển mới lưới điện phục vụ các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị theo quy hoạch; hoàn thành dự án bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện trực tiếp quản lý. Hoạt động du lịch có chuyển biến tích cực, từ 2011-2015, có trên 2,6 triệu lượt khách du lịch về tỉnh, doanh thu du lịch tăng bình quân 38%/năm. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện với nhiều mô hình tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nông dân được cải thiện. Hiện toàn tỉnh đã làm được trên 1.803 km đường giao thông thôn, xóm, trên 814 km nền đường trục chính nội đồng, kiên cố hóa 45,5 km kênh mương, nâng cấp, xây mới 2.002 phòng học, 294 nhà văn hóa thôn, xóm; thu nhập khu vực nông thôn đạt 29 triệu đồng/người, gấp 2,23 lần so với năm 2010 đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đặc biệt là vùng nông thôn được cải thiện rõ rệt. Đến hết tháng 9 năm 2016 tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh theo bộ tiêu chí mới đạt 91,5%; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,91%, giảm 0.9% so với năm 2015. Sự nghiệp giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được đẩy mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; chất lượng giáo dục toàn diện được củng cố và nâng cao, đội ngũ cán bộ giáo viên đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu, chất lượng ngày càng tăng; 100% giáo viên đạt chuẩn; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; đã thành lập được khu Đại học Nam Cao thu hút các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động được đặc biệt quan tâm, trong 5 năm qua đã giải quyết việc làm mới cho 81.181 lao động. Chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng lên, hiện đã thu hút bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Lão khoa về đầu tư cơ sở II tại tỉnh, đến nay đã có 96,5% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác văn hóa, thông tin, báo chí, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao phát triển, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, có 87,45 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 82,3% khu dân cư đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa, 85,89% thôn, làng, tổ phố có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng...