Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nỗi niềm của những người yêu chèo thôn Chảy

Tin tức - Sự kiện Bài tổng hợp  
Nỗi niềm của những người yêu chèo thôn Chảy

 

 Đã từng giao lưu nhiều, gặp gỡ nhiều những người làm nghệ thuật chuyên và không chuyên nhưng sau chuyến đi thực tế ở xã Liêm Thuận (Thanh Liêm), được nghe và xem những người nông dân thôn Chảy hát và biểu diễn chèo, tôi luôn cảm thấy như mình mắc nợ. Chỉ là mong muốn được thành lập một câu lạc bộ (CLB) hát chèo để có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và hát cho nhau nghe thôi nhưng với những người yêu chèo thôn Chảy xem ra cũng còn nhiều trăn trở.

 

Vốn là những cựu thành viên của CLB hát Trống quân thôn Chảy, xã Liêm Thuận, nhưng vì yêu chèo, mê chèo nên tháng 9/2015, được sự nhất trí của chính quyền, sự ủng hộ nhiệt tình của bà con trong thôn, anh Cao Thanh Ngọc và anh Trịnh Quang Vinh đã tách ra cùng nhau lập nên nhóm hát chèo thôn Chảy. Ban đầu thành lập, nhóm chỉ có 15 thành viên tham gia, già có, trẻ có, nam có, nữ có. Mỗi người một điều kiện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đến với nhau bởi có chung một tình yêu với bộ môn nghệ thuật chèo. Anh Vinh chia sẻ: Nhóm hát của anh hoạt động hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, mọi chi phí mua sắm trang phục và nhạc cụ biểu diễn đều do các thành viên trong nhóm đóng góp. Là người chịu trách nhiệm chính trong việc tập hát cho cả nhóm nên anh Vinh luôn bận rộn với việc chọn bài, chọn tiết mục, kiêm luôn cả biên đạo múa. Để rồi bất kể đông hay hè, nắng hay mưa, cứ vào tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, anh lại cùng các thành viên trong nhóm thu xếp việc nhà để ra đình tập luyện... Quây quần bên ấm trà xanh đặc quánh, những người nghệ sĩ cây nhà lá vườn như tan chảy cùng những làn điệu chèo trong trẻo, mượt mà, say đắm lòng người.

Xúng xính trong bộ áo mớ ba mớ bảy đủ sắc màu, sau khi biểu diễn xong tiết mục Hội làng quê em, bác Nguyễn Thị Hằng, thành viên cao tuổi nhất của nhóm cho biết, bác yêu chèo từ thuở còn nhỏ tuổi, 18 tuổi bác chính thức đầu quân cho đội hát chèo của làng Gừa xã Liêm Thuận. Sau này trở thành một trong những thành viên nòng cốt của CLB hát Trống quân thôn Chảy và hiện nay là cây hát chính trong nhóm hát chèo của thôn Chảy... Gần 70 tuổi nhưng giọng hát của bác vẫn còn rất trẻ trung trong Hội làng quê em và cũng rất mượt mà, đằm thắm trong Lưu Bình Dương Lễ. Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trê gò má không còn xuân sắc của các bà, các chị sau mỗi buổi tập mới cảm nhận được tình yêu của họ dành cho chèo lớn lao đến nhường nào.

Cũng là người mê hát chèo giống như bác Hằng, anh Vinh, anh Ngọc, nhưng chị Trịnh Thị Hiền lại đến với môn nghệ thuật truyền thống này khá muộn. Chị bảo: Ban đầu tham gia cũng dơ lắm, nhưng vì yêu thích hát chèo nên đánh liều tham gia. May mà ông xã cũng là người mê hát chèo nên rất nhiệt tình ủng hộ khi biết chị có ý định tham gia nhóm hát của thôn. Hằng ngày, hai vợ chồng cùng nhau đi xây, tối về lại chở nhau đi tập hát... Hạnh phúc với họ chỉ giản dị vậy thôi, được hát và được diễn cho bà con mình xem, làm vơi đi những nhọc nhằn lo toan, những bon chen thường nhật, để thấy cuộc đời này đáng sống hơn, nhân văn hơn.

Dù chỉ là nhóm hát không chuyên, nhưng với tấm lòng yêu chèo những người hát chèo thôn Chảy đã được nhiều người biết đến thông qua các hoạt động giao lưu, lễ hội. Không chỉ hát và diễn cho bà con trong thôn, họ còn mang tiếng hát, lời ca, điệu múa, những trích đoạn chèo cổ đến với bà con nhiều địa phương khác trong tỉnh. Từ 15 thành viên ban đầu giờ đã tăng lên 18 thành viên, thành viên trẻ tuổi nhất trong nhóm là cháu Lê Thị Hồng Diễm - học sinh lớp 10, Trường THPT A Thanh Liêm và cao tuổi nhất là bác Nguyễn Thị Hằng năm nay 67 tuổi. Yêu chèo là thế nhưng qua những câu chuyện, những chia sẻ của các thành viên trong nhóm thì để được hát, được diễn phục vụ bà con đối với họ cũng còn nhiều trăn trở. Mong muốn được thành lập một CLB hát chèo với họ đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đem những tâm tư của những người yêu chèo thôn Chảy trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Thuận, chúng tôi được biết: Quan điểm của xã cũng rất ủng hộ việc các CLB văn nghệ, thể thao quần chúng thành lập theo đúng quy định của pháp luật. Hiện, xã đã có quyết định thành lập CLB hát Trống quân và CLB hát chèo thôn Gừa. Còn đối với CLB hát chèo thôn Chảy, nếu có nhu cầu, đủ điều kiện theo quy định, xã sẽ tạo điều kiện để thành lập...

Về vấn đề này, ông Lê Xuân Huy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch cũng khẳng định: Việc thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở căn cứ theo nhu cầu, điều kiện của người dân ở từng địa phương, không giới hạn về số lượng. Điều quan trọng là các CLB hoạt động phải dựa trên tôn chỉ, mục đích chính đáng theo đúng qui định của pháp luật, không đi ngược lại những thuần phong mỹ tục của dân tộc...

Thiết nghĩ, để thúc đẩy các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, sớm hoàn thành các chỉ tiêu về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những nỗ lực từ phía người dân, nhất định phải có sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nhất là ở cấp thôn, xóm. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền cơ sở, CLB hát chèo thôn Chảy sẽ sớm được thành lập, để tiếng hát chèo thôn Chảy sẽ tiếp tục được vang xa.