QĐND Online – “Câu chuyện về sự hy sinh của các chị đã được chúng tôi kể từ thế hệ này đến thế hệ khác, không chỉ để thêm tự hào về sự đóng góp của các chị cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, mà còn để con cháu hôm nay phát huy truyền thống, sống có ích hơn”, nhiều thân nhân đã tâm sự như vậy, khi kể về các nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ…
2 chị em, một trận địa, hy sinh một ngày
Đình Tràng (Lam Hạ) nay đã thành tổ dân phố, nhưng cảnh quan vẫn đậm nét quê. Đường về nhà 2 nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi cứ hẹp dần. Hương táo ngai ngái thoảng con ngõ nhỏ. Hoa mướp đang độ óng vàng bờ giậu. Nhìn qua bên kia sông, Quốc lộ 1 gần lắm, chỉ chừng hơn 500 mét.
“Giờ xóm này thành bán đảo, bởi đã có đường vào, chứ trước đây là đảo. Mỗi lần báo động chiến đấu, các cô Thu, Thi lại lao lên thuyền, vượt vụng sang đê chiến đấu”, ông Nguyễn Văn Kiên tâm sự. Ông Kiên là con trai anh cả của các chị Thu, Thi.

Bà Bạch Thị Thân với di ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Thu.
Trong ngôi nhà nhỏ, bà Bạch Thị Thân (mẹ ông Kiên) kể về 2 cô em chồng mình. Những ngày các chị Thu, Thi tham gia chiến đấu trong đội hình dân quân xã thì bà Thân và ông Nguyễn Văn Thăng (anh cả của Thu và Thi) đã có tới 4 đứa con, nên bà nhớ lắm những kỷ niệm về 2 cô em chồng.
Bà Thân nhớ lại những ngày chiến tranh ác liệt: “Trước ngày các cô ấy hy sinh, 2 đứa có bảo tôi rằng cấp trên dự báo vài ngày tới địch sẽ đánh phá ác liệt, chị phải cho các cháu đi tránh trú. Cuối cùng, gia đình chọn cách đào hầm trú ẩn nếu máy bay địch đánh phá”.
Nhắc về sự kiện ngày 1-10-1966, đôi mắt mờ đục ứa lệ, giọng nghèn nghẹn, bà Thân kể lại: “Hôm đó khi còi, kẻng báo động vang lên, Thu, Thi lao vội xuống thuyền bơi sang trận địa. Tôi thì quáng quàng đi tìm con và cô em út nhưng không thấy đâu. Chỉ ít giây sau, máy bay Mỹ ầm ầm bay tới. Nó sà thấp đến nỗi ngọn tre quanh đây cũng bập bùng, ngả nghiêng. Rồi ầm ầm tiếng bom, đạn nổ. Một lúc sau con tôi và cô út chạy từ trận địa về, hóa ra chúng nó mang quần áo rách và giẻ ra cho bộ đội lau pháo và đạn. 2 đứa hổn hển nói cô Thu đã trúng mảnh bom, hy sinh ngay trên mâm pháo; cô Thi thì bị cụt chân.
Anh trai thứ hai của các chị Thu, Thi cũng đang chiến đấu tại trận địa phòng không Lam Hạ lao tới định đưa Thi đi cấp cứu, nhưng chị yêu cầu anh phải quay lại vị trí chiến đấu để trả thù cho đồng đội và mình. Khi được đưa lên bàn phẫu thuật để cưa chân, chị cắn răng đề nghị các bác sĩ cứ cưa chân không cần dùng thuốc gây mê, mà để dành thuốc cho các đồng chí khác. Nhưng do vết thương quá nặng, Nguyễn Thị Thi đã mãi mãi ra đi. Năm đó, chị mới 16 tuổi, còn bao ước mơ đang đợi chờ phía trước. Lúc hy sinh, Thi chưa có một tấm ảnh cho riêng mình. Sau này dựa vào lời kể của người thân, họa sĩ truyền thần đã vẽ tấm hình chị làm ảnh thờ.
Trong ký ức bà Bạch Thị Thân vẫn còn rõ lắm hình ảnh về hai cô em chồng hiền, ngoan, chăm chỉ. Bà vẫn nhớ những đêm muộn, ba chị em vẫn cặm cụi đi cắt rơm để lợp 5 gian nhà tranh, khi về ăn vội nắm ngô rang rồi đi ngủ; và vẫn còn văng vẳng đâu đây lời Thu, Thi nói với bà: “Cố gắng làm cho xong chị ạ, chứ mai chúng em vào trực chiến mình chị làm sao nổi”…
Bức ảnh cưới trên ban thờ
Có lẽ, gia đình ông Lê Văn Thông, năm nay đã 89 tuổi, là một trong những gia đình đặc biệt nhất tổ dân phố Đường Ấm, phường Lam Hạ (xưa là thôn Đường Ấm, xã Lam Hạ). Đặc biệt bởi 2 vợ chồng người em trai của ông đều là liệt sĩ, cùng hy sinh trên trận địa pháo phòng không Lam Hạ. Họ là liệt sĩ Lê Văn Chắc, bộ đội pháo cao xạ và Nguyễn Thị Oánh, nữ pháo thủ 100mm của dân quân Lam Hạ.
Bị tai biến từ năm 2002, tính đến nay ông Thông đã nằm liệt giường 14 năm. Khi chúng tôi thắp hương 2 liệt sĩ Chắc, Oánh, ông Thông bật khóc. Ông nghẹn ngào kể lại, mẹ mất sớm khi Chắc mới lên 5 tuổi. Trước khi mất, bà dặn ông: “Con thay bố mẹ chăm sóc em, đừng để nó khổ”.

Tấm ảnh cưới của anh Chắc, chị Oánh được đặt trên ban thờ.
Làm việc ở một xưởng gỗ tại xã Kim Bình, trước thuộc Kim Bảng, nay thuộc thành phố Phủ Lý, ông Thông dành 2 phần lương nuôi vợ con, một phần còn lại ông đưa Chắc cất đi để dành sau này cưới vợ. Trong một lần về phép, anh Chắc gặp cô Oánh đang tham gia dạy học xóa mù chữ cho dân làng. 2 người cảm mến nhau rồi nên vợ thành chồng. Đám cưới thời chiến đơn giản, chỉ có cau, trầu, trà thuốc và chút bánh kẹo. Cưới nhau xong, Chắc lên đường về đơn vị ở Sơn Tây, Oánh thì xin gia nhập Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ.
Ông Lê Văn Thông ngậm ngùi nhớ lại cái ngày bom Mỹ chia lìa đôi vợ chồng son: “Buổi trưa 1-10-1966, khi đang nghỉ trưa trên xưởng gỗ, người nhà chạy lên báo với tôi là Oánh hy sinh rồi. Tôi vội chạy về, vừa đến đầu làng máy bay Mỹ lại tiếp tục dội bom”.
Gần một năm sau, ông Tế, người cùng làng và cũng cùng làm tại xưởng gỗ với ông Thông, đang nghỉ ở nhà chạy hộc tốc về xưởng gỗ báo tin dữ: Trận địa phòng không tại Lam Hạ bị máy bay địch oanh tạc, Chắc đã hy sinh. Lúc ông Thông lao về trận địa thì chỉ kịp nhìn thấy em trai mình bị mảnh bom Mỹ găm vào đầu. Ông cứ thế chạy theo cho đến khi anh Chắc được đưa vào áo quan.
Chị Lê Thị Đại, con gái ông Thông tâm sự: “Chú thím tôi đẹp lắm, cả làng ai cũng khen đẹp đôi. Giá như chú thím ấy có một đứa con…”.
Quả là anh chị Chắc, Oánh rất đẹp đôi. Trong tấm ảnh cưới, 2 người đều cao ráo, cười tươi tắn. Tấm ảnh vốn chụp chung với nhiều người, sau đó người nhà cắt gọn lại còn 2 anh chị, nay lồng trong Bảng Vinh danh liệt sĩ có tên cả 2 vợ chồng, được đặt trên ban thờ.
Hình ảnh ấy vừa nói lên sự ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà cả dân tộc ta đã đi qua, vừa thể hiện khát vọng bất diệt “không có gì quý hơn độc lập, tự do” của các thế hệ người Việt Nam. Chính cái khát vọng ấy đã thôi thúc nhiều người, nhiều thế hệ trong một gia đình cùng tham gia đánh giặc; thôi thúc cả vợ, cả chồng đều xông pha nơi bom, đạn, không tiếc tuổi xuân, xương máu…
Cách nhà ông Lê Văn Thông không xa là ngôi nhà nơi chị Oánh đã sinh ra. Ông Nguyễn Đình Tuế, sinh thứ 4 trong số 6 chị em, bùi ngùi nhớ về chị cả của mình: Chị Oánh rất thích nghề giáo và hăng hái tham gia lớp xóa mù chữ. Ngày chị hy sinh cũng là ngày gia đình nhận được giấy báo nhập học cao đẳng sư phạm gửi về cho chị. Bom đạn kẻ thù đã khiến ước mơ đến với giảng đường sư phạm của chị mãi mãi dở dang. Ông Tuế còn cho hay, ngày sang cát cho chị Oánh, gia đình còn tìm được mảnh đạn găm trong đầu chị.

Ngôi nhà của anh Chắc, chị Oánh năm xưa.
Trên trận địa phòng không Lam Hạ, còn có một cô giáo tiểu học cũng đã mãi mãi ra đi, để lại niềm cảm phục và tiếc thương vô hạn trong lòng học trò và người thân. Chị là Vũ Thị Phương, người thôn Lạc Tràng (Lam Hạ). Ông Vũ Mạnh Phu, em trai chị Phương, ngày ấy là dân quân xã kể lại: Sáng 1-10-1966, nghe trên thông báo địch sẽ tổ chức đánh phá, Phương liền sơ tán học sinh về Đền Mẫu. Khi máy bay địch đánh phá các mục tiêu quanh khu vực Lam Hạ, chị nhanh chóng đưa học sinh xuống hầm trú ẩn rồi khoác túi cứu thương băng ra trận địa pháo phòng không, lúc tham gia tiếp đạn, khi cùng đồng đội vận chuyển, sơ cứu các đồng chí bị thương. Đến trận đánh thứ 4 trong ngày, Phương anh dũng hy sinh. Là một trong những chiến sĩ dân quân tình nguyện viết đơn gia nhập Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ ngày 5-8-1965, luôn thể hiện được sự quả cảm và nhiệt tình cách mạng, nên trong một trận đánh trả không quân Mỹ vào tháng 11-1965, Phương đã được kết nạp Đảng ngay trên trận địa pháo phòng không.
Chiều muộn, trong ngôi nhà quay mặt ra dòng Châu Giang, ông Nguyễn Văn Phước, em trai liệt sĩ Nguyễn Thị Thuận xúc động kể về những giây phút cuối của liệt sĩ: Mặc dù bị nhiều vết thương, chân gần đứt lìa, nhưng chị vẫn động viên mẹ tôi: “Mẹ đừng lo, nếu cụt chân, không đi lại được thì con sẽ xin thầy cho con bán hàng ở hợp tác xã mua bán”… Gia đình cho biết thêm, lúc hy sinh, chị Thuận đã làm thủ tục chuẩn bị kết nạp Đảng, chỉ còn 2 tháng nữa chị sẽ được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Gặp gỡ, trò chuyện với người thân của 10 liệt nữ dân quân Lam Hạ và những nhân chứng đã đi qua những ngày khói lửa năm xưa, có thể thấy mỗi nữ liệt sĩ có một hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau, song điểm chung ở các chị là sự hồn nhiên, vô tư, sôi nổi, yêu đời và không sợ đối mặt với bom đạn kẻ thù...
Ghi chép của PHẠM HOÀNG HÀ
(Còn nữa)